Thương mại điện tử (TMĐT) mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Nhờ cạnh tranh bình đẳng, linh hoạt của môi trường kinh doanh số sẽ rút ngắn khoảng cách với các DN lớn. Cùng với đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận với các sản phẩm, thương hiệu đa dạng, gần như không giới hạn. Bến Tre đang từng bước đưa TMĐT đến với DN vừa và nhỏ, với mong muốn mang lại cho DN hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại điện tử. Ảnh: C. Trúc
Hiệu quả thương mại điện tử
Là một người trẻ khởi nghiệp của tỉnh, chị Lê Thị Huế My – Giám đốc Công ty TNHH MTV tự động hóa Tùng Phát cho biết, DN sản xuất trực tiếp nên còn nhiều hạn chế về năng lực thương mại. Hiện nay, bước đầu DN đã tiếp cận thị trường qua các kênh bán lẻ truyền thống. Các sản phẩm máy móc ứng dụng trong sản xuất thủ công mỹ nghệ của công ty đa số được bán qua các đại lý phân phối.
Do là DN mới khởi nghiệp, sau khi phát triển thêm các sản phẩm mỹ nghệ từ cây dừa, gáo dừa, công ty đã gặp khó khăn trong quá trình thâm nhập, tiếp cận thị trường truyền thống trong nước. Sau đó, chị Huế My bắt đầu giới thiệu các sản phẩm của công ty trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) và các sàn TMĐT.
Theo chị My, sau 3 năm thực hiện bán hàng thông qua các sàn TMĐT, sản phẩm của công ty được nhiều người biết đến. Các khách hàng từ nước ngoài đã đặt hàng rất nhiều, nhất là thị trường châu Âu. Mỗi năm, chị Huế My xuất bán hơn 1 triệu sản phẩm ra nước ngoài. Ngoài ra, chị Huế My đã liên kết với các cơ sở trong tỉnh để có nguồn hàng ổn định, chất lượng cung cấp cho khách hàng.
Chị My chia sẻ, đa phần các DN thương mại sẽ là trung gian bán hàng, dẫn đến sản phẩm của DN sản xuất không bán được giá cao, giá trị gia tăng hầu như không nhận được. Do vậy, DN muốn tiếp xúc, phân phối trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài nước thì tham gia bán hàng trên sàn TMĐT là giải pháp tất yếu.
Ông Phạm Văn Nhựt, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm cho biết, trước đây, sản phẩm gạo tím, nếp tím của cơ sở Ba Nhựt trực tiếp làm ra chỉ bán cho thương lái nên phụ thuộc rất nhiều vào kênh phân phối này. Sau đó, cơ sở tiếp cận giới thiệu sản phẩm qua các mạng xã hội được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Đặc biệt, có sự hỗ trợ của địa phương giúp cơ sở thiết kế website để vừa giới thiệu sản phẩm vừa bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Giờ đây, sản phẩm của cơ sở đã được thị trường tiêu thụ rộng hơn, không trông chờ vào các thương lái thu mua như trước đây.
Thông tin từ Sở Công Thương, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã hỗ trợ 50 DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng website TMĐT; hỗ trợ trên 50 DN, cửa hàng bán lẻ ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh. Sở Công Thương đã hỗ trợ các DN tham gia các sàn giao dịch điện tử, như: Lazada, Alibaba, Amazon…; tham gia Cổng TMĐT quốc gia (ECVN), Cổng thông tin thị trường xuất khẩu (Vietnamexport); hỗ trợ các DN quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Bến Tre. Xây dựng sàn giao dịch TMĐT đặc sản Bến Tre; bộ công cụ quảng bá thương hiệu trực tuyến sản phẩm chủ lực của tỉnh… từng bước tạo dựng môi trường, hệ sinh thái TMĐT cho các DN trên địa bàn tỉnh.
Hình thành nền tảng cơ bản
Theo Sở Công Thương, chỉ số TMĐT của tỉnh năm 2020 (do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố) đứng thứ 15/55 tỉnh, thành phố; trong khi năm 2015 là 36/54 tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh thời gian qua có sự chuyển biến rõ rệt, tạo ra các điều kiện thuận lợi, từng bước hình thành những nền tảng cơ bản để phát triển TMĐT của tỉnh trong thời gian tới. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2020, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng khá tốt mua bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng.
Người dân tiếp cận các sàn thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm. Ảnh: P. Nhân
Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho hay, việc phát triển TMĐT gần như không còn trở ngại. Bởi hạ tầng phục vụ TMĐT như: mạng lưới viễn thông, internet, dịch vụ giao nhận phát triển nhanh và rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với nhiều loại hình phục vụ khách hàng và các DN. Bên cạnh đó, đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước, hành chính công và tại các DN ngày càng được quan tâm và sự phát triển mạnh các thiết bị di động thông minh là nền tảng để phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với nhiệm vụ và giải pháp mang tính chiến lược. Đó là đổi mới tư duy, nhận thức từng cán bộ, công chức, DN… chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội; phát triển chính quyền số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, xã hội số, phát triển hạ tầng số và nhiệm vụ chuyển đổi số nền kinh tế. Tỉnh cũng đề ra giải pháp sẽ hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia các sàn TMĐT, hiện đại hóa các dịch vụ chuyển phát, hoàn chỉnh các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ thông tin cá nhân trên các nền tảng TMĐT.
“Với tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, chế biến các mặt hàng nông thủy sản, TMĐT sẽ là công cụ xúc tiến thương mại đắc lực, hiệu quả, thiết thực và nhanh nhất giúp các DN giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm, DN của tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp cận nhiều cơ hội giao thương, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường bền vững” – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết thêm.
Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% DN tại tỉnh tham gia, có gian hàng trên sàn giao dịch TMĐT đặc sản Bến Tre; đẩy mạnh các hoạt động giao dịch TMĐT trong và ngoài nước. 80% website TMĐT của các DN trong tỉnh có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. 50% DN tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT. 100% trung tâm hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4…
“Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực để đẩy mạnh ứng dụng thương mại trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lợi ích của thương mại điện tử đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trực tiếp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản, chú trọng các sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm nông nghiệp nông thôn”.
(Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm)
Phúc Nhân (baodongkhoi.vn)