Thạnh Phú thường được biết đến với biển Cồn Bửng, một trong những bãi biển còn giữ lại nét hoang sơ vốn có. Một người anh đã chọn Thạch Phú để khởi nghiệp nhưng lĩnh vực anh khai thác không nằm ở tiềm năng du lịch vốn đã và đang nổi của Thạch Phú. Anh chọn một loại cây cỏ bình dị trên những dải cát nơi đây để bắt đầu sự nghiệp – cây Sa Sâm.
Sa là cát, sa sâm là sâm mọc trên cát. Sa sâm là loại cây có chất chống ô xy hoá mạnh hơn cả Amla (gooseberry). Nó chứa cả Saponin như trong nhân sâm nên một sản phẩm tạo nên từ Sa sâm có giá trị dinh dưỡng rất cao. Nhận thấy tiềm năng của loài cây này, anh Phù Tường Nguyên Dũng đã gây dựng ý tưởng với những sản phẩm sử dụng Sa sâm làm nguyên liệu.
Câu chuyện của anh với Sa Sâm Việt cũng giản dị như chính mảnh đất Bến Tre. Trong một lần về thăm quê, anh Dũng tự hỏi: “Sao bà con không lấy cây sâm đất trồng để nấu nước hay chế biến, đóng chai bán cho du khách sử dụng sẽ mang lại lợi ích sức khỏe thay vì chỉ bán các loại nước đóng chai như trên thị trường..”. Khi ấy du lịch ở Thạch Phú đang trên đà phát triển, Sâm được khai thác chủ yếu để phục vụ các nhà hàng (món rau sâm ăn với lẩu rất ngon) với giá khoảng 30 – 40 ngàn đồng/kg.
Ý tưởng cùng tình yêu quê hương đã thúc đẩy anh Dũng hiện thực hóa ý tưởng và thành lập công ty cổ phần Sa Sâm Việt. Những sản phẩm của công ty đều được làm từ sâm như: trà túi lọc, tinh chất bột sâm, sâm sữa dừa, sâm ca cao.. “Bởi tất cả đây là những nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Tôi muốn làm những sản phẩm trên chính quê hương mình” – anh Dũng nói với vẻ quyết tâm.
Cái tâm của người đứng đầu doanh nghiệp
Không chỉ làm giàu cho bản thân, việc kinh doanh của anh Dũng còn tạo kế sinh nhai cho bà con nông dân ở đây. Công ty của anh đã xây dựng hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng theo hướng hoàn toàn hữu cơ, khu thực nghiệm hiện nay được 1,5ha. Tới đây, anh Dũng sẽ nhân rộng mô hình ra người dân, dự kiến khoảng 20ha, thuộc khu vực ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Hải để xây dựng chuỗi cung ứng, chỉ dẫn địa lý cho làng Sâm Việt và phát triển du lịch. Qua đó đưa thương hiệu Sa Sâm Việt trở thành một sản phẩm đặc thù, là sản vật của địa phương, đảm bảo thu nhập của người dân từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.