Thời gian qua, cùng với việc thực hiện Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về Đồng khởi khởi nghiệp (KN) và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh, UBND tỉnh đã đặt hàng cho Trường Đại học Kinh tế – Luật thực hiện đề xuất nghiên cứu giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thúc đẩy Chương trình Đồng khởi KN trên địa bàn tỉnh, nhằm tìm ra giải pháp và chương trình hành động cụ thể để phát triển DNTN.
Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long sản xuất ống hút dừa.
Kết nối doanh nghiệp và nông dân
PGS.TS. Đỗ Phú Trần Tình cho rằng, để đánh giá về điều kiện cho phát triển DNTN, Trường Đại học Kinh tế – Luật đã tiến hành khảo sát các DN, hộ kinh doanh tại địa phương về khả năng thị trường tiêu thụ và nguồn lực đầu vào tại địa phương như nguyên liệu, nhân lực, đất đai; cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại địa phương; sự kết nối sản xuất trong liên kết chuỗi giá trị; các chính sách cho sự phát triển của DN, hộ kinh doanh; quy trình và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính; hoạt động xúc tiến đầu tư; sự hấp dẫn và hài lòng đối với môi trường đầu tư tại tỉnh.
Qua kết quả đánh giá cho thấy, các DN sản xuất tại tỉnh chủ yếu cung cấp cho xuất khẩu và các thị trường trong cả nước. Nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tại tỉnh chủ yếu là dừa, thủy sản và trái cây. Tỉnh cần có những chính sách và chương trình ổn định về nguồn nguyên liệu, kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa DN và nông dân để hình thành các chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho DN.
Các DN cũng cho rằng, điều kiện hạ tầng, giao thông và vị trí của tỉnh không thuận lợi lắm cho hoạt động của DN. Bên cạnh đó, các điều kiện về điện, nước, viễn thông, bến bãi cũng không được các DN đánh giá cao. Sự khó khăn trong nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng của tỉnh thời gian qua là mấu chốt của vấn đề. Thực trạng này đòi hỏi những ưu tiên nhất định của tỉnh trong các dự án kết nối giao thông và hạ tầng trọng điểm. Đặc biệt, đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 và các dự án cần kết nối giữa các huyện.
Bên cạnh kết nối DN nội tỉnh cần tạo điều kiện để các DN kết nối với các DN khác trong khu vực và cả nước để có thể liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian qua, nhằm triển khai các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, các chính sách của bộ, ngành về phát triển kinh tế tư nhân, Bến Tre đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách từ cấp độ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành. Vận hành các chính sách cùng với sự nỗ lực của các DN đã giúp tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Qua kết quả khảo sát việc ban hành và triển khai các chính sách thì hầu hết các chính sách có tác dụng tốt trong thu hút các DN đầu tư và thành lập mới DN. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ sau đó còn nhiều hạn chế.
Sau gần 5 năm triển khai, Chương trình số 10 về Đồng khởi KN và phát triển DN của Tỉnh ủy đã lan tỏa sâu rộng, xây dựng hệ sinh thái khá hiệu quả. Các chính sách ban hành đã góp phần thúc đẩy phát triển khối DNTN. Tuy nhiên, qua nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế – Luật, sự hỗ trợ của các chính sách này cho quá trình vận hành của DN chưa tốt. Do đó, bên cạnh việc ban hành các chính sách để thúc đẩy sự thành lập và tham gia thị trường của DN, tỉnh cần chú ý hỗ trợ DN được tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách.
Khuyến khích thành lập doanh nghiệp
Giai đoạn 2011 – 2015, số lượng DN tăng 9,68%/năm. Sau khi thực hiện Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN, số lượng DN tăng trong giai đoạn 2016 – 2019 là 14,68%/năm. Cũng trong giai đoạn 2016 – 2019, toàn tỉnh thành lập mới 1.900 DN. Lũy kế đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 4.446 DN đăng ký, trong đó có 3.519 DN còn hoạt động (chiếm 79%).
Bà Lê Nữ Minh Quyên – Trường Đại học Kinh tế – Luật cho rằng, TP. Bến Tre là địa phương có nhiều DN nhất, chiếm gần 40% tổng số DN toàn tỉnh. Tuy nhiên, so với các địa phương khác, TP. Bến Tre có tỷ lệ DN đang hoạt động thấp hơn so với tổng số DN đăng ký. Các huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc có tỷ lệ DN hoạt động cao nhất so với toàn tỉnh. Đặc biệt, Thạnh Phú có đến 92% DN đang hoạt động so với đăng ký (mặc dù số lượng DN đăng ký là thấp nhất tỉnh).
“Thực trạng trên đặt ra vấn đề cho tỉnh trong việc khuyến khích thành lập DN. Tỉnh cần có những giải pháp cụ thể hơn trong việc khuyến khích thành lập DN, tăng tỷ lệ hoạt động, tránh trường hợp chạy theo chỉ tiêu dẫn đến xảy ra trường hợp DN “chết lâm sàng”. Do đó, tỉnh nên cân nhắc và sàng lọc cụ thể trong quá trình thúc đẩy phát triển DN, chỉ nên phát triển DN trong điều kiện đã chín muồi, đặc biệt là các điều kiện về sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường” – bà Lê Nữ Minh Quyên lưu ý.
Việc phát triển DN từ hộ kinh doanh cá thể cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh chỉ mới chuyển đổi 341 hộ kinh doanh lên DN, đạt 50% so với chỉ tiêu của chương trình đề ra. Theo bà Lê Nữ Minh Quyên, việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN không đơn thuần là đáp ứng đủ các điều kiện cứng và thay đổi hình thức hoạt động của các chủ thể mà đòi hỏi các điều kiện thuận lợi về sản xuất và thị trường.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trường Đại học Kinh tế – Luật vừa tổ chức hội thảo về “Giải pháp phát triển DNTN nhằm thúc đẩy Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN trên địa bàn tỉnh Bến Tre”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận xoay quanh: Đánh giá những điều kiện cho phát triển DNTN tại Bến Tre dưới góc nhìn DN; đánh giá những điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh tại Bến Tre dưới góc nhìn hộ kinh doanh; định hướng phát triển của các DN và hộ kinh doanh trong thời gian tới; thực trạng và giải pháp phát triển DN số trên địa bàn tỉnh; phát triển DN gắn với chuỗi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn…
Bài, ảnh: Cẩm Trúc (baodongkhoi.vn)