Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 (TECHFEST MEKONG 2020) tại tỉnh, Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp (KN) và phát triển doanh nghiệp (DN) vừa tổ chức hội nghị sơ kết gần 5 năm thực hiện Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về Đồng khởi KN và phát triển DN tỉnh. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện đạt mục tiêu phát triển 5 ngàn DN trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Đại biểu tham quan sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh.
Những giải pháp trụ cột
“Qua gặp gỡ với các DN hoạt động chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, hiện tại tỉnh có rất nhiều chính sách nhưng chưa đến được với người dân”, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết.
Theo đó, thời gian tới, cần xem chính sách là một trong những giải pháp trụ cột để thực hiện và có phản biện lấy ý kiến để từng lúc điều chỉnh phù hợp, làm sao cho các chính sách đi vào cuộc sống, đến đúng đối tượng, phát huy được mục đích, ý nghĩa của chính sách. Để xây dựng Bến Tre thành địa phương KN, cần có những tiêu chí cụ thể về địa phương KN để huyện có cơ sở đánh giá, có kế hoạch phấn đấu thực hiện đạt tiêu chí.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành Dương Văn Phúc cho rằng, vừa qua, DN trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng kép của hạn mặn và dịch Covid-19. KN thoát nghèo được triển khai quyết liệt và có kết quả. Giải pháp phát triển Chương trình số 10 trong thời gian tới, Châu Thành xác định sẽ đẩy mạnh phát triển DN, với số lượng 1.000 DN trong tổng số 5.000 DN toàn tỉnh. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển DN hiệu quả, tỉnh cần quan tâm thêm cho DN KN thương mại hóa sản phẩm trên thị trường.
Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Mai Văn Hùng cho rằng, một số hộ cá thể trên địa bàn huyện vẫn còn ngần ngại phát triển lên DN. Do ảnh hưởng của hạn mặn và dịch Covid-19 nên số lượng phát triển DN chưa cao. Thời gian tới, cần sự nỗ lực quyết liệt hơn. Qua gần 5 năm thực hiện Chương trình số 10 đã góp phần quan trọng vào tỷ lệ thoát nghèo, phát triển DN, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, điều kiện tiếp cận chính sách, nguồn quỹ từ chương trình còn hạn chế. Hội đồng tư vấn cần quan tâm thêm để giúp người KN, DN có thể tiếp cận thuận lợi hơn.
Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Vưng cho hay, hướng tới, sở sẽ tập trung hỗ trợ DN khai thác, xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, cá nhân để phát triển thương hiệu sản phẩm.
Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, hoạt động KN của tỉnh có sự thành công nổi bật là tính đồng bộ, đồng loạt trong hệ thống chính trị ngay từ những ngày đầu triển khai. Tỉnh là địa phương đi đầu cả nước trong hoạt động KN, có chiến lược rõ ràng, với hoạt động cụ thể, phần việc rõ ràng, từ KN thoát nghèo đến KN làm giàu và đổi mới sáng tạo.
“Từ năm 2018 đến nay, mặc dù số lượng DN địa phương thành lập mới và số lượng giải thể, ngưng hoạt động là ở mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng tỷ trọng phần trăm DN của tỉnh so với ĐBSCL giảm dần. Điều này đặt dấu hỏi, liệu chính sách tỉnh đưa ra để thúc đẩy KN cần điều chỉnh, đổi mới hay không? Hướng tới, nên xem việc KN gắn với việc phát triển bền vững. Đối với từng nhóm đối tượng, chúng ta sẽ có từng chính sách, chiến lược khác nhau”, Phó giám đốc VCCI Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Thị Thương Linh cho biết.
Trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đồng bằng sông Cửu Long năm 2020.
Kết nối, đồng bộ, đồng loạt
“Thương mại hóa sản phẩm KN không chỉ là vấn đề của riêng Bến Tre mà còn là của cả nước. Cần có chủ trương, giám sát thực thi từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với sản phẩm từ nông nghiệp, sản phẩm KN. Theo đó, việc giải ngân, xét duyệt nhanh, có theo dõi, giám sát, khen thưởng kịp thời. Trong KN lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh cần sự quan tâm thêm, có ưu tiên, bố trí nhân sự”, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh nói.
Theo Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn KN tỉnh Đặng Đức Thành, tỉnh nên tập trung đột phá trong KN đổi mới sáng tạo. để làm được cần sự kết nối các trường, viện, sở khoa học và công nghệ, các trung tâm… “Đây là những nơi có nguồn chất xám, trong khi người KN, DN KN lại không có vốn, không có điều kiện nghiên cứu. Hội đồng Tư vấn KN tỉnh phải kết nối cho được các nơi ấy… để cùng tìm kiếm, phát hiện, ươm tạo KN đổi mới sáng tạo, kết nối các giáo sư, tiến sĩ hỗ trợ DN trẻ nghiên cứu và ứng dụng. Vì nếu mạnh ai nấy làm như thời gian qua thì kết quả chỉ dừng lại bước đầu, thiếu bền vững”, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn KN tỉnh Đặng Đức Thành nhấn mạnh.
Ông Đặng Đức Thành đề nghị, tỉnh cần nâng mức chi cho Sở Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, tìm kiếm, kết nối những ý tưởng, dự án trong khu vực có khả năng phát triển thành DN đổi mới sáng tạo về địa phương triển khai dự án. Hệ sinh thái của tỉnh đang qua bước tiếp theo. Cần nâng cao tính liên kết trong các hoạt động KN tạo sự lan tỏa hiệu quả KN..
Giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình số 10 về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp sẽ kết thúc sứ mệnh đầu tiên để chuyển qua giai đoạn mới là phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn với chuyển đổi số. Tất cả các chương trình từ các sở, ngành sẽ được tập trung kết nối, đồng bộ nguồn lực cho phát triển sản phẩm khởi nghiệp. Tất cả các chương trình đều hướng đến mục tiêu phát triển đạt 5 ngàn doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ DN dẫn đầu của tỉnh.
(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)
Bài, ảnh: Cẩm Trúc (baodongkhoi.vn)