ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
Điện thoại (0275) 3825 340 - 0989 280 636
Cơ quan thường trực Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre

Đồng Khởi khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp ở Bến Tre hiện nay – cơ hội và thách thức

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, năm bản lề đánh dấu thay đổi cơ bản về đường lối, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Cùng với cả nước, Bến Tre đã phát động Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp với mục tiêu mang lại sự phồn thịnh, tạo động lực mới cho sự phát triển tỉnh nhà, quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Giai đoạn 2016 – 2020, Bến Tre đã bước đầu xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp mang lại hiệu quả cao; môi trường đầu tư kinh doanh năng động, qua đó, tạo năng lực sản xuất mới, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X; từng bước trở thành một trong những địa phương đi tiên phong trong thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp.

Nhằm tiếp nối thành công từ Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020. Với mục tiêu tiếp tục nỗ lực xây dựng tỉnh Bến Tre thành “Địa phương khởi nghiệp”, đẩy mạnh phát triển khởi nghiệp ứng dụng khoa học – công nghệ, áp dụng công nghệ xanh và chuyển đổi số. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo để bứt phá nhanh, bền vững, thúc đẩy phát triển mới 5.000 doanh nghiệp, phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp dẫn đầu, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8576/KH-UBND ngày 24/12/2021 về Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025 với 03 phần chính: (1) Xây dựng tỉnh Bến Tre thành địa phương khởi nghiệp, (2) Phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân (3) Phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đến thời điểm này, tỉnh Bến Tre đã xây dựng hoàn chỉnh Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm các thành tố: (1) Cơ quan nhà nước, (2) Trường đại học, (3) Chính sách, (4) Cộng đồng doanh nghiệp và khởi nghiệp, (5) Mạng lưới cố vấn, (6) Tài chính, (7) Dịch vụ hỗ trợ;  bước đầu thành công trong việc thay đổi nhận thức, chuyển đổi tư duy của cả hệ thống chính trị, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở về “khởi nghiệp” trong đó lực lượng chính nằm ở thanh niên, phụ nữ và nông dân; góp phần tương tác, tạo “sức ép” thúc đẩy cải cách, chuyển đổi tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ” người dân và doanh nghiệp. Với những nỗ lực đó, trong 06 năm đánh giá và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gần đây nhất, tỉnh Bến Tre luôn nằm trong nhóm các địa phương quản lý điều hành khá – tốt. Lũy  kế  từ  năm  2021  đến  ngày 15/12/2023; toàn tỉnh có 6.171 DN với tổng vốn đăng ký 73.692 tỷ đồng, trong đó có 1.595 doanh nghiệp thành lập mới, 148 hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, 338 doanh nghiệp khởi nghiệp; cấp công nhận 02 doanh nghiệp khoa học công nghệ và 02 tổ chức khoa học công nghệ; thành lập mới 14.303 hộ kinh doanh, lũy kế có 56.446 hộ kinh doanh. Cấp mới 04 dự án FDI với vốn đăng ký 11,61 triệu USD; cấp điều chỉnh cho 56 dự án; hiện nay toàn tỉnh có có 332 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 66 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.641,44 triệu USD và 262 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 59.861,75 tỷ đồng. Hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp tục được củng cố; công tác theo dõi, quản lý, hỗ trợ và phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước về kinh tế tập thể ngày càng chặt chẽ và có bước cải thiện tố, toàn tỉnh có 190 hợp tác xã, với tổng vốn điều lệ 321,5 triệu đồng và 1.167 tổ hợp tác.

Các chuyên gia trao đổi tại “Talkshow Những nguồn lực có sẵn dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp”

Trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội trên thế giới đang có sự biến đổi liên tục do dịch bệnh, xung đột giữa các nước, sự phát triển bùng nổ và tác động sâu sắc trên quy mô toàn cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra nhiều thách thức, cũng như cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà, cụ thể:

Về cơ hội:

– Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre đã được hình thành và phát triển, cung cấp nguồn tài nguyên thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

– Sự quan tâm của trung ương và địa phương đối với hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; điển hình là Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 ngày 8 tháng 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre về việc quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre…

– Ngày càng nhiều các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước được hình thành, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ngoài nước cũng quan tâm triển khai các chương trình hỗ trợ tại Việt Nam.

– Trung tâm kinh tế toàn cầu có xu hướng chuyển dịch mạnh về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, kéo theo xu thế liên kết kinh tế – thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ tại khu vực, nguồn lực đầu tư ngày càng nhiều tạo cơ hội thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

– Tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng mạnh mẽ, cá nhân, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ nhằm cải tiến chất lượng sản phẩm, sáng tạo ra sản phẩm mới.

– Làn sóng chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến phương thức thương mại, giao dịch, truyền thông… Làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân; tạo tiền đề giúp doanh nghiệp nắm bắt, mở rộng, chiếm lĩnh thị phần trên thị trường.

– Ngành giáo dục ngày càng quan tâm đầu tư trang thiết bị cũng như tạo nhiều cơ hội cho học sinh phát huy tài năng, sức sáng tạo; ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường thông qua  xây  dựng  mô hình,  không  gian  sáng  tạo trong trường  học (STEM, STEAM).

– Hoạt động ươm tạo khởi nghiệp ngày càng được mở rộng về quy mô, lĩnh vực, nâng cao về chất lượng; là đòn bẫy giúp dự án, ý tưởng khởi nghiệp thương mại hóa và phát triển bền vững.

Chuyên gia, nhà đầu tư và các dự án khởi nghiệp tại “Hoạt động Pitching doanh nghiệp và nhà đầu tư” và tổng kết chương trình ươm tạo năm 2023

Về thách thức:

– Nguồn lao động có tay nghề, chuyên môn cao còn thiếu hoặc chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong tỉnh và sự phát triển của địa phương. Đội ngũ quản lý của một số doanh nghiệp còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng.

– Việc liên tục cập nhật, sáng tạo hình thức kinh doanh; đầu tư nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm trở thành một trong nhưng yếu tố quyết định tồn vong của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh quyết liệt trong và ngoài nước.

– Thị trường trong và ngoài nước thường xuyên biến động, vì vậy cần có chiến lược phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro có thể có. Muốn vậy, các doanh nghiệp, dự án, ý tưởng khởi nghiệp, sự linh hoạt và nhanh nhạy trong đáp ứng các thay đổi và nắm bắt cơ hội; phải liên tục cập nhật kiến thức, tình hình thị trường, kinh tế thế giới, nắm bắt văn hóa vùng miền, dân tộc, xu hướng phát triển toàn cầu; điều này đòi hỏi nhiều kỹ năng từ thu thập, tổng quan dữ liệu, phân tích và dự đoán.

– Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, toàn nền kinh tế đang nỗ lực thực hiện 4 mục tiêu: giảm phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa nền kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng; bên cạnh đó, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland); buộc doanh nghiệp phải sớm thay đổi, cải thiện theo hướng sản xuất xanh, tuần hoàn và cải thiện đặc tính sản phẩm cho phù hợp.

– Nguồn tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước đòi hỏi ngày khắc khe về chất lượng dự án, cũng như một số yếu tố khác (môi trường, xã hội…)

– Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang gặp phải nhiều thách thức, nhất là đối với mô hình kinh doanh trực tuyến, khi mà các hoạt động giao dịch thương mại đã vượt qua giới hạn địa lý, lãnh thổ; ngoài ra việc chưa có cơ chế chuyển giao ý tưởng, cơ chế hợp tác hiện thực hóa ý tưởng cũng gây khó khăn cho cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Từ thực tiễn hoạt động qua 07 năm thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

– Phải thông suốt các mục tiêu, nhiệm vụ từ tỉnh đến cơ sở, nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ, tham gia tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân.

– Tích cực, kiên trì và luôn đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan đầu mối trong việc triển khai thực hiện; thường xuyên sơ, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ thực hiện.

– Tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tham gia thực hiện Chương trình, đề án, nhất là các nguồn lực xã hội hóa, nguồn nhân lực từ các chuyên gia và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội bằng nhiều hình thức (nhất là sử dụng thiết bị công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay); huy động sự ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, khích lệ, lan tỏa tinh thần, hình thành phong trào khởi nghiệp trong toàn dân.

– Thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại hỗ trợ khó khăn giữa đại diện cấp ủy, chính quyền, các ban ngành có liên quan với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân khởi nghiệp; tăng cường biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong lĩnh vực kinh doanh, qua đó truyền cảm hứng, khơi dậy tâm thế, khát vọng vươn lên của mọi cá nhân, doanh nghiệp.

– Phát huy vai trò của các Hiệp hội, Hội, câu lạc bộ doanh nghiệp trong hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; phải là cầu nối đắc lực giữa chính quyền với doanh nghiệp.

– Thúc đẩy phát triển bền vững, cùng phát triển của tất cả các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa vào nội lực; đi sâu vào gắn kết, tạo tương tác giữa các thành tố trên cơ sở tăng tính chủ động của từng đối tượng.

– Đào tạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và điều hành doanh nghiệp, thu hút lao động có chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao chất lượng ươm tạo doanh nghiệp, dự án, ý tưởng khởi nghiệp.

– Tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong doanh nghiệp, các dự án, ý tưởng khởi nghiệp; phát triển thị trường… nhằm tạo văn hóa đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp. Đồng thời phổ biến quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhất là bảo vệ ý tưởng, dự án của cá nhân, doanh nghiệp./.

Bài, ảnh: Thanh Paul

————————

(1) Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre thành lập năm 2016 và được kiện toàn theo Quyết định số 493/QĐ-UBND ngày 11/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, giữ vai trò chỉ đạo xuyên suốt các đơn vị có liên quan của tỉnh xây dựng và thực hiện các nội dung thuộc Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp đảm bảo thực chất, hiệu quả, phù hợp từng giai đoạn; Sở, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh; Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp là cơ quan đầu mối tư vấn khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Tổ Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp cấp huyện, Tổ Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp cấp xã.

(2) Phân hiệu ĐHQG TP. HCM tại Bến Tre, Trường Cao đẳng Bến Tre, Trường Cao đẳng Đồng Khởi, Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre.

(3) Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre về việc quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển giao, nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đề án hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2020-2025, các chính sách lồng ghép khác.

(4) Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nghiệp các huyện/thành phố, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, CLB Khởi nghiệp Tiên Phong tỉnh, CLB Khởi nghiệp Tiên Phong các huyện/thành phố.

(5) Mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, CLB Doanh nghiệp dẫn đầu, CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP. HCM.

(6) Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chương trình Khuyến công, chương trình Khuyến nông trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Ngân hàng Chính sách xã hội và các Ngân hàng TMCP (chính sách ưu đãi lãi suất cho khởi nghiệp).

(7) Tổ dịch vụ công, mạng lưới khởi nghiệp đa ngành (Luật sư, Mentor, thuếkế toán ưu đãi…), Không gian Đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Hub).