ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
Điện thoại (0275) 3825 340 - 0989 280 636
Cơ quan thường trực Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre

Bến Tre tổ chức thành công Hội nghị “Môi trường đầu tư kinh doanh qua kết quả PCI năm 2018 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”

Chiều ngày 17 tháng 4 năm 2019, tại TTC Palace Bến Tre, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Viêt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Môi trường đầu tư kinh doanh qua kết quả PCI năm 2018 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm phân tích môi trường kinh doanh Việt Nam qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI toàn diện thông qua kết quả điều tra Chỉ số PCI năm 2018. Đồng thời, đánh giá về những thay đổi trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh tại khu vực ĐBSCL; tìm hiểu những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác điều hành kinh tế của từng địa phương. Trên cơ sở đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2019, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Bến Tre nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.Đến tham dự Hội nghị có ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre; ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ; ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và hơn 150 đại biểu đại diện các sở, ngành và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tham dự.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết qua xếp hạng PCI cho thấy thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long rõ nhất là ở các chỉ số như chỉ số “Tiếp cận đất đai” tiếp tục duy trì và được đánh giá cao khi có 7 tỉnh trong top 10 cả nước; chỉ số “Chi phí thời gian” được đánh giá rất tốt khi có 9 tỉnh đứng đầu. Chỉ số “Chi phí không chính thức” là chỉ số nổi bật khi có 5 tỉnh đứng đầu cả nước là của ĐBSCL, 7 tỉnh trong top 10 và 11 tỉnh ở top 20. Bên cạnh đó, chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” như là một đặc trưng riêng của vùng với 10 tỉnh nằm trong top 20 tỉnh đứng đầu, doanh nghiệp ở ĐBSCL cảm nhận dường như không thấy có sự phân biệt trong điều hành kinh tế ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Tuy nhiên, ông Lam cũng lưu ý, chỉ số chi phí gia nhập thị trường không còn nhiều tỉnh đứng đầu, tính minh bạch cũng chỉ có một tỉnh trong số 15 tỉnh, thành đứng đầu. Ngoài ra còn có một số hạn chế phát sinh như tình trạng mất cắp tài sản của doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong khi dân số toàn vùng trên 17 triệu. Kết quả PCI năm 2018 cho thấy ĐBSCL một lần nữa là vùng được đánh giá cao nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước, với bình quân 64,31 điểm, tăng 0,9 điểm so với 63,40 điểm bình quân năm 2017. Nổi bật có 3 tỉnh nằm trong top 5 đứng đầu (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre), 4 tỉnh trong top 10. Trong 10 chỉ số thành phần, vùng có 5 tỉnh có điểm số đứng đầu, rất nhiều tỉnh đứng ở top đầu trong nhiều chỉ tiêu đo lường.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Cao Văn Trọng cho biết: tỉnh Bến Tre nói chung và ĐBSCL nói riêng luôn được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá rất cao, thường xuyên có nhiều địa phương nằm trong top đầu của cả nước, được xem là những điểm sáng trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xét về bảng xếp hạng năm 2018, thì trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước đã có 4 đại diện của ĐBSCL gồm (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long). Điều đó cho thấy rằng, chính quyền các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút mạnh mẽ đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch để doanh nghiệp phát triển và ổn định sản xuất kinh doanh; góp phần vào tăng trưởng kinh tế của từng địa phương nói riêng và của cả khu vực ĐBSCL nói chung. Đó là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp – là niềm khích lệ rất lớn cho những nỗ lực cải cách, đổi mới và đồng hành cùng doanh nghiệp của các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Đối với tỉnh Bến Tre, với phương châm “năng động – sáng tạo – đổi mới” trong thực hiện cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanhnghiệp tỉnh nhà trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cả bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Bến Tre tìm kiếm cơ hội đầu tư và thực hiện các dự án. Từ vị trí xếp hạng thứ 12 năm 2016, Bến Tre đã tăng 7 hạng lên thứ 5 vào năm 2017 và thứ 4 năm 2018, thuộc nhóm điều hành tốt. Mỗi năm Bến Tre tổ chức 4 diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, bàn tròn khởi nghiệp 1 năm tổ chức 2 lần, cà phê doanh nhân, được tổ chức hàng tháng, Chủ tịch thường xuyên trực tiếp tiếp dân và doanh nghiệp để lắng nghe, trao đổi. Qua đó, hầu hết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ, xử lý nhanh. Để thực hiện được nội dung quan trọng trên, trong những năm qua tỉnh Bến Tre đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI gắn với việc thực hiện có hiệu quả chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”, đây là một trong những chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015-2020 của tỉnh Bến Tre”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, kết quả điều tra, khảo sát trong năm 2018 cho thấy vẫn còn một số mặt hạn chế, chưa tốt của tỉnh. Thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần, tiêu chí thành phần tụt giảm điểm số; sự đánh giá chưa cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân… cũng làm ảnh hưởng đến kết quả chung trong việc cải thiện và xếp hạng các chỉ số, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Cụ thể hơn về số liệu này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết nếu chia số doanh nghiệp trên 10 ngàn dân thì ĐBSCL đứng thứ hai từ dưới lên, 24 doanh nghiệp trên 10 ngàn dân. Bên cạnh một số điểm sáng như tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, ông Tuấn cũng nhấn mạnh chi phí không chính thức là điểm mạnh truyền thống của vùng, bình quân doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức cả nước là 55%, vùng đồng bằng sông Cửu Long là 47%, trong đó thấp nhất là Bến Tre 38%.

Tại hội nghị, buổi tọa đàm giữa lãnh đạo các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cũng được trao đổi chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương trong vùng ĐBSCL như cách tiếp cận đất đai, tạo quỹ đất, làm thế nào để ĐBSCL luôn là điểm sáng của cải cách… Đây cũng là giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết thêm, thời gian tới, VCCI Cần Thơ cũng sẽ tham gia xây dựng bộ chỉ số đánh giá cấp huyện thị, sở, ngành tại một số địa phương; tiếp tục thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đào tạo doanh nhân, tham vấn chính sách để giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, tập trung hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Đặc biệt, VCCI Cần Thơ sẽ tiến hành thực hiện Báo cáo kinh tế ĐBSCL thường niên kể từ 2019 để đánh giá sự chuyển biến và những vấn đề nổi cộm nhất về KTXH của vùng qua các năm, làm tư liệu quan trọng trong kiến nghị về chính sách đối với Quốc hội và Chính phủ./.