Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra mục tiêu thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp (DN). Một chỉ tiêu không kém phần quan trọng là phát triển mới 5 ngàn DN, xây dựng 100 DN dẫn đầu.
Khách hàng đến giao dịch tại BIDV Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc
Trên 80% DN chịu tác động do đại dịch
Trong bối cảnh năm 2020, tình hình hoạt động của hầu hết các DN đều gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của cộng đồng DN, chỉ có khoảng 3% DN nhận được ảnh hưởng tích cực (đó là một số DN hoạt động lĩnh vực bảo hiểm, y tế, bưu chính, chuyển phát…). Có tới trên 80% DN đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch. Các khó khăn chủ yếu, như: thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, cả nội địa và xuất khẩu đều rất khó khăn, nguyên liệu đầu vào thiếu hụt, khó khăn về tài chính, thiếu hụt nguồn vốn tái đầu tư cho sản xuất, kinh doanh (SX, KD).
Doanh thu khu vực DN giảm, trong đó DN siêu nhỏ giảm nhiều nhất, tiếp đến là DN nhỏ, DN vừa và DN lớn. Điều này cho thấy, quy mô DN càng nhỏ càng dễ bị tác động tiêu cực bởi đại dịch. Trên địa bàn tỉnh, hiện có 4.904 DN, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ. Dự báo năm 2021, mặc dù đã có những bước cải thiện so với năm 2020, tuy nhiên hoạt động của các DN vẫn còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn và vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia.
Tại hội nghị tổng kết ngân hàng nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: Các tổ chức tín dụng không được để thiếu vốn phục vụ các DN, đơn vị SX, KD, đặc biệt không chỉ cho vay vốn mà phải hỗ trợ thiết thực đối với DN về phương án SX, KD, vừa có lợi cho DN, vừa có lợi cho ngân hàng và kiểm soát được rủi ro.
Phát huy vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế
Hệ thống ngân hàng, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế cần tích cực hỗ trợ phát triển DN về vốn và các dịch vụ ngân hàng, nhất là vấn đề về vốn tín dụng. Để thực hiện mục tiêu phát triển tín dụng hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn trong thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ, phù hợp từ các ngân hàng thương mại, DN, ngân hàng nhà nước, cơ quan chức năng có liên quan.
BIDV Chi nhánh Bến Tre đề xuất giải pháp: Đối với các ngân hàng thương mại cần tăng cường tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phát triển tín dụng hỗ trợ DN; tăng cường triển khai các chương trình, gói tín dụng, sản phẩm tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi trong năm 2021; tập trung vốn tín dụng cho các DN có tình hình tài chính tốt, có khả năng vượt qua và phục hồi sau thiên tai, dịch bệnh, góp phần duy trì, phục hồi hoạt động SX, KD của DN.
Đặc biệt, quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục xét duyệt cho vay, tinh gọn hồ sơ vay vốn theo hướng đơn giản nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các DN. Niêm yết lãi suất cho vay, lãi suất huy động, phí dịch vụ… tại trụ sở, phòng giao dịch của các ngân hàng để khách hàng thuận tiện trong tiếp cận, tham khảo. Tiếp tục tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng – DN, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng, phát triển sản xuất.
Đồng thời, tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư số 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ DN trong lúc tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến hoạt động SX, KD của DN. Tiếp tục triển khai các chương trình giảm lãi suất vay vốn đối với các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đối với DN, cần nỗ lực vượt khó, linh hoạt sáng tạo, đổi mới mô hình SX, KD hiệu quả, chủ động thích ứng nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn cả nước và toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu tác động của dịch bệnh. Tiếp tục tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như giãn, hoãn thuế, trợ cấp, hỗ trợ tài chính, cho vay ưu đãi, tái cấu trúc các khoản vay phù hợp. Đặc biệt, cân nhắc áp dụng nền tảng số và các mô hình mới trong hoạt động thương mại, SX, KD và quản lý.
Tận dụng các nguồn vốn ưu đãi, trong đó có vốn tín dụng lãi suất thấp để duy trì và phát triển quy mô sản xuất, mở rộng đầu tư, nắm bắt cơ hội kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường sau dịch bệnh. Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong SX, KD. Không ngừng hoàn thiện quy trình SX, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn. Đặc biệt, cần tăng cường liên kết, hợp tác KD, phát triển các chuỗi SX, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ của DN.
Cùng với phát triển tín dụng, các ngân hàng thương mại cần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, thực hiện các giải pháp an ninh và bảo mật hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo thanh toán an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình giao dịch.
Vũ Thanh Hải (Phó giám đốc BIDV Bến Tre)
Nguồn: baodongkhoi.vn