Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn – Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của tỉnh vừa chủ trì cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân ảnh hưởng của Covid-19. Đây là mô hình mới của tỉnh, được “kích hoạt” với quyết tâm phục hồi, phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm 2021 và đạt mức tăng trưởng dương.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ảnh: Cẩm Trúc
Những vấn đề quan tâm
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Huỳnh Quang Đức cho rằng, kinh tế suy sụp sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh. Các địa phương cần chủ động, có trách nhiệm trong tổ chức sản xuất tại địa phương mình. Bởi thời gian qua đã bộc lộ khá nhiều bất cập như: ràng buộc về vận chuyển hàng hóa nông sản ra vào của các DN trong tỉnh với lý do phòng chống dịch. Các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) đều ngưng hoạt động.
Nổi lên là vấn đề xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh như: dừa, bưởi da xanh. Các quốc gia đang thận trọng trong việc nhập khẩu hàng hóa vào nước, do đó gây khó khăn cho DN. Đặc biệt, đối với mặt hàng trái cây tươi, tạo rào cản bằng các quy định về nhập khẩu, gây khó khăn cho DN xuất khẩu của địa phương. Sở đang thực hiện thủ tục kiến nghị thương lượng về xuất khẩu dừa tươi qua Mỹ; bưởi da xanh qua Trung Quốc bằng đường chính ngạch.
Cũng theo ông Huỳnh Quang Đức, từ nay đến cuối năm 2021 cần chủ động trong công tác phòng chống hạn mặn. Đồng thời trong hoạt động của tổ công tác nên kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cơ sở.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng cho hay, hiện nay dịch bệnh chỉ tạm ổn, nên các vấn đề liên quan đến y tế như an toàn để sản xuất, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là rất quan trọng để DN, người lao động an tâm trở lại công việc. Sở đang nhắc nhở các huyện thực hiện nhanh Nghị quyết số 68/NQ_CP của Chính phủ, đặc biệt là Quyết định số 25/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Trước mắt, thực hiện khẩn trương đối với 10 nhóm đối tượng được nêu trong quyết định. Sở sẽ tiếp tục nhắc nhở các địa phương khi có bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ. “Nắm, thống kê cho được các DN và nhu cầu các DN cần để khôi phục sản xuất ổn định trong tình hình mới. Trong đó, quan tâm số lao động của tỉnh từ các tỉnh về trong thời gian qua do tác động của dịch Covid-19 để giới thiệu, cung ứng cho các DN tại tỉnh…”, ông Phạm Thanh Hùng nêu thêm.
Ngành giao thông cho biết, liên quan đến việc các chốt kiểm soát thực hiện quy định quá “cứng nhắc” đối với xe chở nông sản, sở đã có hướng dẫn cụ thể các điểm dừng đỗ, tập kết hàng hóa. Hiện nay, một số địa phương như: Giồng Trôm, TP. Bến Tre đã linh hoạt trong việc cho xe dừng đỗ tại địa phương, tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Sắp tới, sở sẽ có hướng dẫn thêm về việc này.
Phấn đấu đạt mức tăng trưởng dương
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn – Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt, ưu tiên của tổ là từ nay đến tháng 12-2021, bằng mọi cách có thể, với trách nhiệm của ngành mình trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, các thành viên trong tổ ưu tiên tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội một cách tốt nhất. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2021, tỉnh đạt mức tăng trưởng dương với 2 kịch bản thấp nhất 2% (bằng với cả nước) hoặc tốt hơn là đạt 6% theo kế hoạch của tỉnh đề ra trong 6 tháng cuối năm 2021
Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi (Chợ Lách) khôi phục sản xuất. Ảnh: C. Trúc
Trong đó xác định trách nhiệm của ngành công thương nỗ lực hết sức để phục hồi tổng mức hàng hóa bán lẻ tiêu dùng và xuất khẩu. Ngành nông nghiệp phải thể hiện và thực hiện xuất sắc vai trò đi đầu về kinh tế nền tảng, với giải pháp nâng cao sản lượng và chất lượng các loại dừa, bưởi, tôm, cua, bò, heo và các loại trái cây khác. Quan trọng thứ ba là ngành dịch vụ. Hoạt động hỗ trợ cho ba ngành này là giải ngân đầu tư công phải đạt từ 95% trở lên. Trong đầu tư, tỉnh kỳ vọng vào ngành năng lượng tái tạo, với ít nhất 4 – 5 dự án được vận hành hoạt động thương mại đến cuối năm 2021.
Thu ngân sách hiện đạt 84%. Nỗ lực 3 tháng còn lại đạt chỉ tiêu năm 2021. Giải pháp tăng thu ngân sách, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, sẽ cho phép Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre hoạt động trở lại kể từ ngày 22-10-2021.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là kiểm tra, giám sát và lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của các thành phần kinh tế, gồm: DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các cơ quan quản lý để tìm, chỉ rõ những hạn chế, khó khăn của DN nhưng có liên quan đến Nhà nước. Từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ; dần ổn định hoạt động, phục hồi sản xuất.
Tập trung kiểm tra việc triển khai các nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết số 68/NQ-CP về an sinh xã hội; Nghị quyết số 86/NQ-CP về phòng chống dịch Covid-19; Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Mới đây là Nghị quyết số 116/NQ-CP về bảo hiểm xã hội.
Tổ công tác sẽ đi từng DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, từng hiệp hội, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và thực tế nắm bắt từng vấn đề đang tồn tại ở các huyện, xã để xem xét các thành phần kinh tế đang hoạt động, lắng nghe hết các vấn đề đặt ra, cụ thể như về hoạt động thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến trong chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh.
“Tổ công tác đặc biệt của tỉnh sẽ làm việc với một số ngành quan trọng liên quan đến công tác quản lý kinh tế như ngành ngân hàng, ngành lao động – thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội. Về cơ chế, tổ kiện toàn bổ sung thêm một số thành viên để đảm bảo tổ công tác đủ các thành phần liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh…”. (Phó chủ tịch Thường trục UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn – Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của tỉnh) |
Cẩm Trúc (baodongkhoi.vn)