BDK – Giấy dừa là một loại giấy hoàn toàn mới, được xuất hiện thử nghiệm vào cuối năm 2018 và chính thức thương mại từ năm 2019. Ưu điểm của giấy dừa là được sản xuất từ 100% nguyên liệu bằng nước dừa thiên nhiên, với công nghệ lên men sinh học. Đây là sản phẩm thứ 20 từ dừa, chứa hàm lượng khoa học công nghệ cao của Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long (TP. Bến Tre). Sản phẩm này được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ghi nhận là sản phẩm KH&CN bởi có tính đổi mới, sáng tạo cao.
Sản phẩm giấy dừa.
An toàn cho sức khỏe
Người đã cụ thể hóa thành công ý tưởng sản xuất giấy dừa bằng 100% nguyên liệu từ nước dừa thiên nhiên là bà Trương Thị Cẩm Hồng – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, từng là giảng viên Trường Cao đẳng Bến Tre, chuyên ngành kinh tế. Sau khi về hưu, bà đã đưa các nghiên cứu của mình qua nhiều năm vào ứng dụng thực tiễn và chính thức khởi nghiệp với các sản phẩm công nghệ sinh học từ nước dừa.
Đầu năm 2019, bà Trương Thị Cẩm Hồng giới thiệu ra thị trường sản phẩm giấy cao cấp hoàn toàn mới, được sản xuất từ 100% nguyên liệu bằng nước dừa, với công nghệ lên men sinh học. Bước đầu, giấy dừa được đưa vào thương mại với 2 loại sản phẩm chính là giấy dừa cao cấp dùng để thấm hút dầu đối với các thực phẩm chiên ăn liền và giấy thấm dầu chuyên dùng cho da mặt.
“Từ khi chuyển qua dùng thử loại giấy dừa để thấm hút dầu đối với các loại thức ăn chiên như gà rán, chả giò, tôi thấy rất tiện dụng và an tâm về tiêu chuẩn an toàn sức khỏe cho gia đình. Bởi sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, không sử dụng chất tẩy trắng, rất sạch sẽ và có thể tiết kiệm hơn nhiều so với sử dụng các loại giấy thông thường hiện nay. Trước đây, một đĩa chả giò chiên phải dùng từ 3 – 4 miếng giấy lót hút ẩm thì nay có thể thay thế bằng 1 miếng giấy dừa là đã hút hết dầu và tiếp tục sử dụng thấm hút dầu cho 3 – 4 đĩa liên tiếp”, chị Nguyễn Thị Hằng, Phường 1, TP. Bến Tre cho hay.
Công nghệ lên men sinh học nước dừa
Giấy dừa được sản xuất bằng công nghệ sinh học lên men nước dừa 100%. Bà Trương Thị Cẩm Hồng cho hay, hàm lượng KHCN trong giấy dừa chủ yếu từ giai đoạn lên men nước dừa. Từ nước dừa lên men có thể làm ra rất nhiều sản phẩm như thạch dừa, mặt nạ dừa. Hiện nay, có thêm sản phẩm mới giấy dừa.
Về ý tưởng, bà Hồng chia sẻ: “Tôi có ý tưởng làm giấy dừa trước khi có ý định làm mặt nạ dừa. Khi đó vào năm 2012, mục đích của tôi là muốn làm giấy để phục vụ trong sản xuất linh kiện điện tử, ngăn chắn thiết bị điện tử. Nhưng sau đó, tôi lại bỏ ý định làm giấy dừa vì thấy nhu cầu thị trường chưa quan tâm nhiều. Sản phẩm mới ra sẽ khó tiếp cận và phát triển thị trường nên tôi tạm gác lại để tập trung cho sản phẩm chính là mặt nạ dừa”.
Đến năm 2017, 2018, cùng với yêu cầu phát triển đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nước dừa và xu thế toàn cầu về an toàn sức khỏe người tiêu dùng là muốn sử dụng các sản phẩm sinh học, thân thiện môi trường, bà tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm và chính thức cho ra thị trường giấy dừa. Giấy dừa còn được gọi là giấy sinh học, hay giấy hữu cơ vì 100% nguyên liệu từ nước dừa lên men, có thể phân hủy dễ dàng trong thời gian ngắn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
“Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sản xuất các loại túi bằng dừa để có thể dùng đựng thực phẩm một cách thông dụng hơn trên thị trường để thay thế một phần cho các loại hộp xốp, túi nylon và các loại giấy kém an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay”, bà Hồng tiết lộ.
Giới thiệu giấy dừa tại Lễ hội dừa tỉnh lần V
Ông Lâm Văn Tân – Giám đốc Sở KH&CN cho biết, tin vui cho tỉnh là Bộ KH&CN đã phê duyệt đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất màng Cellulose sinh học từ nước quả dừa khô ứng dụng làm bao gói thực phẩm, với tổng kinh phí 6 tỷ đồng. Đề tài do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Sở đang khẩn trương các bước để đề tài kịp chuyển giao cho tỉnh để sản xuất giấy dừa từ phụ phẩm thạch dừa.
Sản phẩm dự kiến ra mắt giới thiệu với Cộng đồng dừa Châu Á tại Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh chủ trì, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11-2019. Sở sẽ đối ứng 10% kinh phí để nhận chuyển giao đề tài và phía doanh nghiệp muốn tiếp nhận ứng dụng là cần có các điều kiện về mặt bằng, nhà xưởng.
“Tôi rất vui vì đã có sự gặp nhau giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, cũng như sự quan tâm hỗ trợ đầu tư, chuyển giao từ phía cơ quan nhà nước”, bà Hồng cho biết. Nếu hai loại giấy dừa cao cấp được làm từ thạch dừa chính phẩm tại Công ty TNHH Chế biến dừa Cửu Long, thì tới đây, hiệu quả ứng dụng từ đề tài nghiên cứu sản xuất giấy từ phụ phẩm thạch dừa sẽ tiếp tục giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thạch dừa trong tỉnh giải quyết triệt để nguồn phế phẩm từ thạch dừa.
Được biết, gần 1 năm nay, Công ty Công trình đô thị Bến Tre đã không nhận thu gom phế phẩm thạch dừa do đây là loại rác thải ướt, nhà máy khó xử lý. Các cơ sở tự xử lý bằng cách ép, phơi khô để đốt hoặc chôn lấp cho phân hủy. Tuy nhiên, có cơ sở vì không có mặt bằng, điều kiện để tiêu hủy nên việc xử lý phế phẩm thạch dừa mỗi ngày là vấn đề nan giải. Tới đây, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thạch dừa trong tỉnh đã có thể đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ mới để sản xuất giấy dừa, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.