Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp (KN) và phát triển doanh nghiệp của Tỉnh ủy luôn là tâm huyết, khát khao cháy bỏng không chỉ của lãnh đạo tỉnh nhà mà còn là niềm tin, sự kỳ vọng của đông đảo các tầng lớp phụ nữ. Các tầng lớp phụ nữ với ý chí, quyết tâm KN không chỉ để thoát nghèo, có cuộc sống ổn định mà còn có thể phát triển kinh tế một cách bền vững, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
Các đại biểu nữ tham quan trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp và kết nối doanh nghiệp năm 2020. Ảnh: CTV
Hỗ trợ khởi nghiệp
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa, sau 3 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ KN” đã đem lại những kết quả đáng kể và có sức lan tỏa trong hội viên, phụ nữ. Nhiều hoạt động, mô hình mang lại hiệu quả cao, khuyến khích được ý tưởng KN cho phụ nữ, tạo động lực cho việc đầu tư kinh doanh KN, mở rộng sản xuất, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.
Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ phụ nữ thông qua các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, kết nối, tạo điều kiện giúp vươn lên phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững. Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ KN”, đã có 2.328 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, đạt tỷ lệ 20,66%, 160 phụ nữ KN thành công từng bước khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đề án đã tập trung tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, chế biến; đặc biệt, đưa công nghệ 4.0 vào quản lý và kinh doanh để phụ nữ tiếp cận áp dụng phát triển. Phối hợp tổ chức 16 lớp dạy nghề cho 487 lao động nữ nông thôn, 6 lớp tập huấn thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Ngoài ra, hội còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức truyền thông, tư vấn, tập huấn cho 36 thành viên tham gia xây dựng mô hình “Vườn rau sạch” theo tiêu chuẩn VietGap hướng tới hữu cơ an toàn… Hỗ trợ 9 mô hình KN, 5 mô hình khởi sự kinh doanh; hỗ trợ 455 phụ nữ KN với các lĩnh vực như: may công nghiệp, đan đát, đan giỏ cọng dừa, kết cườm, sản xuất các sản phẩm từ các loại trái cây, đan ghế nhựa, bán thức ăn chay…
Qua 3 năm thực hiện đề án đã thành lập 183 tổ hợp tác với 3.180 thành viên, 469 tổ liên kết sản xuất, thu hút 10.769 thành viên tham gia. Công tác tập hợp phụ nữ thông qua các loại hình tổ/nhóm được các cấp hội quan tâm phát triển, có 2.443 tổ tương trợ, 49.108 thành viên; 809 tổ nghề nghiệp, 12.453 thành viên, hỗ trợ 160 tổ phụ nữ tiểu thương với 3.011 thành viên. Đặc biệt, năm 2019, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ 60 phụ nữ KN làm giàu thành công, đây là nội dung đăng ký nội dung “bứt phá” năm 2019 với Tỉnh ủy được các cấp hội cơ sở đồng tình hưởng ứng thực hiện đạt hiệu quả. Hội đã huy động tổng kinh phí xã hội hóa để tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ KN gần 10 tỷ đồng.
Chắp cánh khởi nghiệp
Thực hiện chương trình “Chắp cánh phụ nữ KN”, do Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) tài trợ giai đoạn 2 với dự án “Phát triển 8 tổ nhóm hợp tác tại huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc”, cung cấp con giống cho các mô hình nuôi dê sinh sản, mô hình nuôi vịt, mô hình nuôi bò, may công nghiệp và mô hình xe chỉ xơ dừa tại 7 xã dự án; dự án “Hỗ trợ phụ nữ KN qua mô hình kinh tế tập thể tại 3 huyện Chợ Lách, Bình Đại và Ba Tri”, trang bị, hỗ trợ thực hiện mô hình may gia công cho xã Thới Lai, huyện Bình Đại với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Hàng năm, tổ chức trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm KN với 15 gian hàng và 52 ý tưởng KN. Đồng thời, tham gia cuộc thi “Phụ nữ KN năm 2020” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phụ nữ KN – Kết nối thành công”, Bến Tre có 1 dự án “Chuối sấy trong nhà kính” tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành được chọn vào vòng chung kết (trong tổng số 22 dự án trên toàn quốc).
Bên cạnh đó, dự án “Biến rác thải sinh hoạt thành phân bón để phát triển vườn rau xanh” đã trang bị 30 cái cân rác cho 10 xã dự án; tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về xử lý rác thải, bảo vệ môi trường tại 6 xã thuộc 4 huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú và Ba Tri, có hơn 100 đại biểu tham dự. Tổ chức 20 lớp tập huấn về kiến thức cơ bản quá trình ủ rác thành phân hữu cơ hiệu quả sử dụng thùng ủ phân compost và trang bị 650 thùng ủ phân compost cho 600 hộ dân vùng dự án, 10 điểm trường và 4 điểm chợ; 10 lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn từ nguồn phân hữu cơ cho 10 xã vùng dự án cho 350 đại biểu. Tổng kinh phí 441 triệu đồng.
“Để hoạt động KN thực sự trở thành phong trào rộng rãi trong các cấp hội và các tầng lớp hội viên phụ nữ, đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, cán bộ, hội viên, phụ nữ, các nữ doanh nhân trẻ cần tiếp tục phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, tự tin, năng động, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong KN, khởi sự kinh doanh. Phát huy những ý tưởng kinh doanh mới từ những nguồn nguyên liệu sẵn có tại tỉnh. Đồng thời, tập trung nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả “Đề án hỗ trợ phụ nữ KN” trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện chương trình Đồng khởi KN, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết.
“Trong 3 năm qua, có 2 doanh nhân nữ tiêu biểu của tỉnh được vinh danh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với danh hiệu “Doanh nhân vì cộng đồng ĐBSCL”; 2 doanh nghiệp được tôn vinh “Cánh Sếu Vàng”. Đặc biệt, nữ doanh nhân Đặng Thị Trúc Lan Chi được tuyên dương 3 năm liên tiếp danh hiệu “Doanh nhân vì cộng đồng ĐBSCL”, được tôn vinh “Cánh Sếu Vàng”, vinh dự nhận giải thưởng “Doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu”, Giải Phụ nữ Việt Nam 2018, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…”.
(Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa)
Hương Thu (baodongkhoi.vn)