ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
Điện thoại (0275) 3825 340 - 0989 280 636
Cơ quan thường trực Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre

Đồng khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp: Nhiều giải pháp mang tính chiều sâu

​Chiều ngày 26/12/2016, Hội đồng tư vấn Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp (viết tắt là HĐTV) tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp. Ông Phan Văn Mãi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐTV; ông Đặng Đức Thành – Phó Chủ tịch HĐTV; ông Trương Duy Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cùng chủ trì.

2017_1_3_9_21_38_921.jpg

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy​, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khởi nghiệp Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: C.Trúc)

Kết quả sau gần một năm thực hiện

Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về Đồng khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp được phát động từ cuối tháng 4/2016. Ghi nhận sau 8 tháng khởi động, Chương trình đã thực hiện được nhiều nội dung quan trọng.

Công tác triển khai, quán triệt và cụ thể hóa chương trình đến các huyện. Các huyện, thành phố đều đã ban hành các văn bản để tập trung lãnh chỉ đạo và tổ chức học quán triệt sâu rộng trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn. Hầu hết các huyện, thành phố cũng đã thành lập các bộ phận điều hành và tổ giúp việc (riêng huyện Bình Đại chưa thành lập), xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể từng cá nhân, đơn vị trong việc phối hợp triển khai thực hiện Chương trình.

Công tác truyền thông được các cơ quan tập trung cao. Đến nay, tỉnh đã tổ chức 4 diễn đàn khởi nghiệp, tập trung cho đối tượng là đoàn viên, thanh niên, hộ kinh doanh cá thể. Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chương trình giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp trong các trường THPT với việc tích hợp nội dung “tìm ngành nghề kinh doanh” vào môn công nghệ, tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn với giáo dục khởi nghiệp cho học sinh. UBND huyện Thạnh Phú, UBND TP. Bến Tre tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong các trường THPT trên địa bàn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thiết kế logo, khẩu hiệu tuyên truyền, tổ chức cuộc thi sáng tác các ca khúc về khởi nghiệp. Tỉnh Đoàn đã tuyển chọn 75 học sinh, sinh viên yêu thích sáng tạo khởi nghiệp tham gia câu lạc bộ “Hạt giống khởi nghiệp xứ dừa”. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo giai đoạn 2016-2020 đến cơ sở.

Hội đồng tư vấn cũng đã cơ bản hoàn chỉnh các kế hoạch cụ thể hóa Chương trình như Cẩm nang chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, kế hoạch chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp, kế hoạch hợp tác với các tổ chức, địa pương thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển doanh nghiệp, quy chế hoạt động và kế hoạch thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn dầu của tỉnh…

Đồng hành cùng Chương trình, bước đầu Ngân hàng Nhà nước tỉnh vận động các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đăng ký tham gia chương trình tín dụng cho khởi nghiệp, với 13 đơn vị đăng ký, tổng nguồn vốn trên 785 tỷ đồng.

Ông Đặng Đức Thành – Phó Chủ tịch HĐTV phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: C. Trúc)

Hội nghị sơ kết đã thảo luận làm nổi lên nhiều vấn đề lớn cần xúc tiến làm ngay, cụ thể là ngay đầu năm 2017. Thứ nhất là tất cả các cán bộ chủ chốt cần được quán triệt để nắm bắt, hiểu rõ, nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp. Chương trình phải xuống đến tập xã, ấp, tổ nhân dân tự quản để mọi người dân đều có thể nắm bắt. Các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan đến doanh nghiệp đều phải tích cực chuyển bộ từ thái độ quản lý sang thái độ phục vụ doanh nghiệp (DN). Cán bộ, công viên chức nhà nước đều phải có sự chuyển bộ từ nhận thức đến hành động trong quan hệ làm việc với DN. Công tác giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến DN phải rút ngắn thời gian nhiều hơn.

Công tác thanh kiểm tra cũng phải đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả nhằm tránh gây phiền hà, lãng phí thời gian và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Bước sang năm 2017, HĐTV, UBND sẽ làm việc ngay với các cơ quan ngành thuế, tài nguyên môi trường về thực hiện Chương trình mang tính thực chất, cụ thể hơn. Sinh viên là đối tượng khởi nghiệp sáng tạo. Năm 2017, HĐTV tập trung tuyên truyền các mô hình khởi nghiệp hiệu quả. Có thông tin về hỗ trợ ngành nghề trên các kênh thông tin truyền thông. Đào tạo bằng cách cho sinh viên tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Cần có kiến nghị với Trung ương về điều kiện phải chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Từng cán bộ chủ chốt phải thay đổi

Ông Đặng Đức Thành – Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Phó Chủ tịch HĐTV nhận định: So sánh với các nơi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai Chương trình sớm nhất, rầm rộ và đồng bộ. Tuy nhiên, hiệu quả chậm. Ví dụ, khả năng trong tháng 12 tăng thêm 70 doanh nghiệp là quá ít. Đúng ra, theo Chương trình lớn thì phải tăng thêm 1.000 doanh nghiệp. Qua tìm hiểu rõ, nguyên nhân là do chúng ta chưa quyết liệt trong vấn đề vận động hộ kinh doanh cá thể đã đủ điều kiện chuyển lên doanh nghiệp.

Ông Đặng Đức Thành đề xuất giải pháp: Từng ban, ngành phải có kế hoạch tham gia bằng việc làm cụ thể với chỉ tiêu cụ thể. Nói rõ, nếu hộ cá thể chuyển lên doanh nghiệp thì hộ sẽ được nhiều quyền lợi hơn. HĐTV phải thành lập ban hỗ trợ doanh nghiệp tới huyện, xã. Ban này sẽ rà soát cụ thể và có kế hoạch phối hợp với Cục thuế để thuyết phục. Nếu hộ có đủ điều kiện về qui mô, doanh số, lao động thì Ban vận động phải kiên trì vận động, làm sẵn hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho hộ dân. Đối với ngân hàng, có mức vay và lãi suất ưu tiên cho doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp chuyển lên từ hộ kinh doanh cá thể. Về tổ chức đào tạo, năm 2017, trích kinh phí ngân sách hỗ trợ, đối tượng đặc biệt là những người đứng đầu doanh nghiệp. Các trường THPT, trường dạy nghề, cao đẳng đưa nội dung Chương trình vào chính khóa; tổ chức các vườn ươm, nâng cao ý thức khởi nghiệp để làm giàu, thoát nghèo. Đối với cán bộ chủ chốt từng ngành, cơ sở phải nắm chắt chủ trương và phải thay đổi trong phục vụ các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp như về tài chính, đất đai. Chương trình phải được triển khai cụ thể đến tận người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh.

2017_1_3_9_21_59_375.JPG

Ký kết phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp. (Ảnh: C. Trúc)

Tinh gọn công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp, sớm có cơ chế chính sách

Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng, thời gian tới cần thống nhất trong hệ thống chính trị từ công tác thanh kiểm tra, hệ thống văn bản. Năm 2017 sẽ phân nhóm và chuyên sâu vào từng hộ dân. Trong hệ thống phải hiểu về Chương trình và nhận thức đúng đắng ý nghĩa, vai trò của nó. Cần thiết tất cả xã, phường thị trấn có bộ danh mục các đầu việc. Có mô hình mẫu mang tính dẫn dắt, tập trung 3 nhóm khởi nghiệp: học sinh sinh viên mà nồng cốt là nhóm sáng tạo trẻ; thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp; thanh niên sản xuất kinh doanh

Ông Huỳnh Kỳ Trân – thành viên HĐTV: “Làm sao tinh gọn công tác quản lý, có giải pháp thanh kiểm tra một cách khoa học, hiệu quả mà giảm gây phiền phức, mất thời gian cho doanh nghiệp”. Về phổ biến thông tin tuyên truyền các mô hình kinh tế, liên kết với khuyến nông. Ban tư vấn làm cầu nối cho các nhà khoa học nói rõ định hướng phát triển.

Giải thích về vướng cơ chế chính sách, ông Trương Minh Nhựt – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, nguyên nhân do Chương trình đi sớm nên chính sách chưa có. Tuy nhiên, lồng ghép trong từng ngành. Đối với doanh nghiệp thì cơ quan quản lý quan tâm về thực thi nghĩa vụ của doanh nghiệp, đối với cơ sở sản xuất thì ít quan tâm hơn nên đây là cái khó để vận động hộ chuyển lên doanh nghiệp.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Năm 2017, chúng ta phải tạo ra những kết quả khởi nghiệp cụ thể từ Chương trình”. Phó bí thư chỉ đạo, phấn đấu trong tuần này hoàn tất các văn bản để đầu năm triển khai sớm. Sắp xếp 1 phần kinh phí ngân sách của tỉnh để thực hiện Chương trình. Công tác đào tạo, tập huấn thì cần tranh thủ các nguồn hỗ trợ xã hội hóa. Mở những lớp mà doanh nghiệp có nhu cầu. Nên có sự thống nhất theo từng chuyên đề.

Chương trình khởi động tương đối nhưng sang năm 2017 cần mạnh mẽ hơn, thâm nhập sâu hơn vào mỗi cán bộ, công viên chức, thanh niên trong năm 2017. Để người dân hiểu và tham gia tích cực. Chương trình diễn ra đồng bộ, mạnh mẽ, sát với đối tượng. Từng địa bàn, từng ngành, ban xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ có phân công.

Tập trung hơn nữa cho công tác tuyên truyền, làm sao người hỗ trợ khởi nghiệp phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được để tham gia tích cực. Tăng cường tuyên truyền trên báo đài, các đoàn thể khác. Đối với từng nhóm đối tượng có cách tiếp cận phù hợp. Tuyên truyền hướng đến khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo bên cạnh khởi nghiệp mưu sinh. Từng lúc gia tăng tỷ lệ khởi nghiệp sáng tạo gắn với khoa học công nghệ.

Trong cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, chúng ta phải hết sức quan tâm về cơ chế chính sách, thuế, đất đai, thời gian xử lý thủ tục hành chính thấp nhất, thái độ trong giải quyết cần được tập trung. UBND tỉnh làm việc với các ngành để giới thiệu về chương trình thanh kiểm tra doanh nghiệp. Có cơ chế thanh kiểm tra tinh gọn và hiệu quả hơn.