ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
Điện thoại (0275) 3825 340 - 0989 280 636
Cơ quan thường trực Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp

Ngày 16 tháng 4 năm 2018, Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre (gọi tắt Hội đồng) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện 6 tháng cuối năm 2018.

Chủ trì Hội nghị có ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng; ông Cao Văn Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ đầu tư khởi nghiệp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng; ông Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – Thường trực Hội đồng; cùng với sự tham dự của các thành viên của Hội đồng; đại diện lãnh đạo của một số sở, ngành tỉnh, tổ báo chí, tổ thư ký của Hội đồng tại điểm cầu chính. Tại các điểm cầu có lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, Tổ Xúc tiến Đầu tư Khởi nghiệp các huyện/thành phố, Tổ Hỗ trợ Đầu tư và Khởi nghiệp cấp xã, phường, thị trấn.

Ông Phan Văn Mãi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Cảnh thông tin kết quả triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2018: công tác truyền thông đã tạo hiệu ứng sâu rộng và lan tỏa với sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông Trung ương và khu vực, chất lượng các chuyên đề trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh được nâng cao; công tác hỗ trợ, kết nối nguồn vốn cho khởi nghiệp và DNNVV được thực hiện tốt, toàn tỉnh có 320 doanh nghiệp và 397 đơn vị trực thuộc thành lập mới; 45.476 hộ kinh doanh cá thể, vốn đăng ký 5.551 tỷ đồng; thành lập mới 14 hợp tác xã, 71 tổ hợp tác; tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ 216 ý tưởng, dự án khởi nghiệp; đã hỗ trợ trực tiếp cho 119 ý tưởng, dự án (trong đó: có 26 ý tưởng, dự án phát triển thành các hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp). Tổ chức được 58 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người khởi nghiệp và cán bộ phụ trách hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với 4.065 lượt học viên tham gia (trong đó: có 27 lớp đào tạo cho doanh nghiệp/khởi nghiệp); hỗ trợ vốn 199 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp, với tổng kinh phí khoảng 360 tỷ đồng, từ các nguồn vốn khác nhau; tạo việc làm mới cho 12.054 người; 504 người tham gia xuất khẩu lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế trên từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ cụ thể. Trong thời gian qua, công tác chỉ đạo của cấp ủy chưa thật sự quyết liệt, Tổ Hỗ trợ đầu tư và Khởi nghiệp cấp xã hoạt động còn lúng túng; một số doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp thành công có biểu hiện tâm lý thỏa mãn; các địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng các dự án, ý tưởng khởi nghiệp; một số doanh nghiệp (chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên) mới thành lập đã giải thể; công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã được các ngành tỉnh quan tâm, nhưng sự vào cuộc ở một số địa phương chưa quyết liệt; kết quả thoát nghèo bền vững còn hạn chế.

Theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để công tác khởi nghiệp của tỉnh được phát triển tốt hơn trong thời gian tới, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp các ngành. Công tác truyền thông cần đổi mới, nhất là giới thiệu các tiềm năng của địa phương, nhu cầu của người tiêu dùng để có định hướng khởi nghiệp và sản xuất các sản phẩm mới. Đồng thời, các địa phương nên có quy hoạch đất ở những vị trí phù hợp để hỗ trợ các ý tưởng, dự án xây dựng các mô hình khởi nghiệp. Cấp xã tập trung triển khai Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” theo hướng chuyên sâu, để sản phẩm có thương hiệu, đủ khả năng cạnh tranh thương mại trên thị trường, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương.

Kết thúc Hội nghị, ông Phan Văn Mãi ghi nhận những kết quả đạt được của toàn tỉnh, công tác hỗ trợ khởi nghiệp có hiệu quả “đậm đặc” hơn, ở cấp huyện, các địa phương đã tiếp xúc gần hơn với các đối tượng khởi nghiệp; nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt, là nguồn tín dụng dành cho khởi nghiệp rõ hơn và tiếp cận dễ dàng hơn, nguồn vốn cho khởi nghiệp khá dồi dào. Đồng thời, Ông cũng đề nghị cần lưu ý thêm các công tác còn hạn chế như: công tác truyền thông, sự vào cuộc của các đơn vị, đoàn thể, cấp cơ sở; hoạt động của Tổ Xúc tiến Đầu tư Khởi nghiệp các huyện, thành phố, Tổ Hỗ trợ Đầu tư và Khởi nghiệp cấp xã, phường, thị trấn, công tác hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp,… Ông Phan Văn Mãi tin rằng với sự chung tay từ cấp tỉnh đến địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ hơn của toàn hệ thống sẽ đưa hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Nguyễn Lâm