ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
Điện thoại (0275) 3825 340 - 0989 280 636
Cơ quan thường trực Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre

Thêm nền tảng cho chương trình Đồng khởi khởi nghiệp

BDK – Để kế sách khởi nghiệp (KN) được lâu dài, cần thúc đẩy tinh thần KN chân chính, có chính sách nuôi dưỡng phù hợp với từng đối tượng, xây dựng chính quyền liêm chính và đồng hành cùng doanh nghiệp (DN).

Ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp cùng các thành viên Hội đồng tư vấn thăm và tư vấn cho Dự án nhang sinh học Thiên Phú (Mỏ Cày Bắc). (C. Trúc)

Ông Phan Văn Mãi – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp cùng các thành viên Hội đồng tư vấn thăm và tư vấn cho Dự án nhang sinh học Thiên Phú (Mỏ Cày Bắc). Ảnh: C. Trúc

Thúc đẩy tinh thần KN tích cực

Để tạo ra nền tảng căn cơ, bền vững cho chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN, điều quan trọng nhất là tạo ra được nền tảng chính quyền liêm chính, thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật trong làm ăn, giáo dục ý thức trân trọng những giá trị đem lại lợi ích cho xã hội và lên án mạnh mẽ những hành vi kiếm tiền gây nguy hại đến cộng đồng ngay từ bậc học tiểu học và phổ thông. Chính quyền phải tạo ra được môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch theo nguyên tắc đảm bảo mọi hoạt động kiếm tiền được đánh đổi bằng việc tạo ra lợi ích cho người chấp nhận trả tiền và đem lại tiến bộ cho xã hội.

Nhà trường và gia đình cần sớm trang bị cho các em ở bậc học phổ thông kiến thức làm ăn kinh doanh. Không nhất thiết phải xây dựng môn học riêng trong trường mà tăng cường hoạt động ngoại khóa, tổ chức các buổi học tập trải nghiệm các mô hình kinh doanh hiện có trên địa bàn. Chẳng hạn như thiết kế các hoạt động tìm hiểu về chuỗi giá trị của cây dừa, theo chuỗi đó có những nhóm công ty nào hoạt động, mối liên hệ giữa chúng và cách kiếm lời của mỗi DN, cơ sở sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị, các hoạt động quản trị kinh doanh trong DN… Cũng có thể khuyến khích học sinh tìm hiểu về hoạt động mưu sinh của chính cha mẹ chúng để qua đó sớm trang bị cho các em kiến thức quản trị kinh doanh và định hình cho các em ý định khởi nghiệp từ rất sớm.

Ươm tạo DN nên phù hợp với từng đối tượng

Có 3 nguồn phát triển DN bao gồm DN KN mới, DN hiện có phát triển thêm quy mô và chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN. Ứng với mỗi nguồn cần có trọng tâm chính sách trợ giúp khác nhau.

Với DN KN mới, hoạt động ươm tạo cần thực hiện qua 3 giai đoạn cơ bản: hoàn thiện kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ vốn mồi và các nguồn lực trợ giúp hoạt động ban đầu như thiết bị công nghệ, mặt bằng…; kết nối các đối tác chiến lược cho DN KN để đảm bảo sau giai đoạn ươm tạo, DN được nền tảng phát triển vững vàng về sau. Để thực hiện tốt chức năng này, đòi hỏi đơn vị ươm tạo phải kết nối được với nhiều DN lớn, nhiều DN cung ứng đầu vào lẫn nhau; kết nối với trường, viện, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức tài chính… để sẵn sàng kết nối với DN được chọn ươm tạo.

Trọng tâm của chính sách cần tập trung vào việc tạo ra cơ chế trợ giúp DN dễ tiếp cận đất đai, vay vốn, công nghệ, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực… Chính sách phát triển DN phải đảm bảo phù hợp với mong đợi của DN trong từng lĩnh vực đặc thù của tỉnh; đồng thời, các thủ tục hành chính liên quan đến tiếp cận chính sách phải đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Mỗi chính sách được ban hành cần xác định rõ đầu mối triển khai, nếu liên quan đến các ban, ngành khác nhau thì lập ra “tổ liên ngành” hoạt động trợ giúp “một cửa” cho DN.

Nhìn vào DN để hành động

DN chỉ sống tốt trong môi trường hội đủ các yếu tố như khách hàng, nhà cung cấp, cạnh tranh công bằng; có đủ các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải, kho bãi, mặt bằng sản xuất, tài chính, viễn thông… Tỉnh cần có giải pháp cụ thể để phát triển đồng bộ các thành phần đó thì DN sẽ có môi trường để phát triển tốt. Muốn vậy, cần thay đổi tư duy, chuyển từ tư duy “làm thay cho DN” sáng tạo cơ chế, điều kiện, cơ hội để “DN tham gia”, DN là chủ thể trung tâm của mọi hoạt động kinh tế. Để các chương trình hợp tác công tư triển khai hiệu quả, cần ban hành các quy định rõ ràng và công khai, minh bạch trong lựa chọn đối tượng tham gia.

Cần tạo lập môi trường thúc đẩy KN sao cho việc gia nhập hoặc rời khỏi thị trường dễ dàng và ít gặp các rủi ro về pháp lý. Cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục hành chính từ các thủ tục đăng ký kinh doanh, kê khai, quyết toán thuế, đến nộp phí tự động qua hệ thống ngân hàng… Bên cạnh đó, chú trọng thắt chặt kỷ cương thực thi chính sách, pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo liêm, chính, vô tư và nhiệt tình. Đồng thời nên thường xuyên rà soát, lắng nghe các vướng mắc, khó khăn của DN về các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính để kịp thời tháo gỡ theo đúng với tinh thần chính quyền đồng hành cùng DN.

Khi DN làm ăn thuận lợi, được tương tác với các cơ quan quản lý nhà nước thông qua các phương tiện thông minh (công nghệ), công chức nhiệt tình, vô tư, lúc đó mầm mống của KN sẽ nhanh chóng sinh sôi, nảy nở, lan rộng không chỉ trong toàn tỉnh, mà có thể sẽ thu hút nhiều DN từ nơi khác về Bến Tre. Muốn vậy, cần thực hiện xuyên suốt nguyên lý “nhìn vào DN để hành động” thì sẽ đạt được mong mỏi đó.

TS. Huỳnh Thanh Điền