Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, trong giai đoạn 2011 – 2015, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình là 47.339,248 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước bố trí 38.845,498 tỷ đồng, chiếm 82,05% và số vốn huy động được từ nhiều nguồn lực khác nhau là 8.493,75 tỷ đồng, đạt 283% kế hoạch.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Qua 05 năm triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội đã huy động được sự quan tâm, tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, tạo sức mạnh to lớn trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.
Thời gian qua, kết quả giảm nghèo đã đạt được cụ thể như sau: Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28%/năm 2015, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo chung và chính sách giảm nghèo đặc thù nhằm cải thiện điều kiện sống của người nghèo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo tại Hội nghị
Song song với thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo thời gian qua vẫn còn những khó khăn, thách thức, đó là: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; Nguồn lực thực hiện chính sách và Chương trình giảm nghèo hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu giảm nghèo nhanh và bền vững; Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp, cơ chế phân cấp, trao quyền còn hạn chế, bất cập, trách nhiệm giải trình chưa rõ ràng, chưa khơi dậy được tiềm năng thế mạnh của địa phương; Các chính sách giảm nghèo hiện hành khá toàn diện và tương đối đầy đủ, tác động đa chiều đến sản xuất và đời sống của người nghèo nhưng còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống; Chưa thật sự tạo được sự liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ giữa hộ nghèo, vùng nghèo với nhà khoa học và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tham quan khu trưng bày sản phẩm của người dân
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 – 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra. Cụ thể: Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 – 1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020; Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015; Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước với tổng kinh phí thực hiện là 48.397 tỷ đồng, bao gồm 5 dự án thành phần: Chương trình 30a; Chương trình 135; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đại biểu nhắn tin ủng hộ vì người nghèo
Tại Hội nghị, các địa phương đã trình bày báo cáo tham luận và đưa ra một số kiến nghị về các vấn đề: lồng ghép nguồn lực để triển khai thực hiện, kinh nghiệm đặc thù của từng địa phương, nhân rộng điển hình các thôn bản thực hiện tốt, đổi mới phương thức thực hiện cơ chế chính sách, hạn chế tối đa việc cho không, xây dựng chính sách cho vay có điều kiện…
Đại diện UNDP Việt Nam, Bà Louise Chamberlain – Giám đốc quốc gia kêu gọi mọi người cùng nhau đoàn kết thống nhất mạnh mẽ giữa những người đang sống trong nghèo đói và những người ở mọi tầng lớp xã hội quyết tâm đấu tranh chấm dứt sự phân biệt người nghèo, tách biệt người nghèo ra khỏi xã hội, đồng thời giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và có cơ hội tham gia cũng như được hưởng lợi từ quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, hưởng ứng Ngày “Quốc tế chống đói nghèo” và cũng là Ngày “Vì người nghèo Việt Nam” 17/10, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức đợt vận động nhắn tin ủng hộ vì người nghèo qua Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia 1400 với chủ đề “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bắt đầu từ 00h00 ngày 15/10/2016 đến hết 24h00 ngày 30/11/2016, Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo quốc gia mở hệ thống để đón nhận đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo theo cú pháp: VNN gửi 1409. Với mỗi tin nhắn, người ủng hộ sẽ đóng góp 15.000 đồng vì người nghèo. Số tiền đóng góp của nhân dân thông qua đợt vận động nhắn tin ủng hộ này sẽ được sử dụng để góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đặc biệt là đối với các hộ nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo thuộc dân tộc thiểu số. Mỗi tin nhắn VNN gửi 1409 là sự đóng góp thiết thực vì người nghèo, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến người nghèo, gửi tin nhắn là góp phần vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu đã đạt được thời gian qua trong công tác giảm nghèo đồng thời ghi nhận những cẩm nang, kinh nghiệm quý báu, thiết thực tại một số địa phương về triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công tác xoá đói giảm nghèo, hạn chế tài nghèo. Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo bền vững vẫn còn một số những khó khăn, thách thức như tỷ lệ tái nghèo cao, giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, đặc biệt cả nước có 41 huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; Nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo chưa vận dụng có hiệu quả và còn chồng chéo, phân tán; Việc xác định, kê khai hộ nghèo còn chưa chính xác; Biến đổi khí hậu và sự cố môi trường cũng tác động đến công tác xoá đói giảm nghèo, dẫn đến tình trạng tái nghèo….
Nhằm thực hiện Chương trình có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cần khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng các tiêu chí, định mức, phương thức thực hiện, cơ chế tài chính, làm cơ sở để các địa phương tổ chức thực hiện; Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều; Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đánh giá tình hình kết quả thực hiện ở các cấp địa phương, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, tăng tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện; Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, có chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số; Khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo; Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân; Lao động sáng tạo, cần cù để giảm nghèo và vươn lên làm giàu; Đặt mục tiêu giảm nghèo trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội, nhân rộng các mô hình xoá đói giảm nghèo; Phát triển bền vững, không để thảm hoạ môi trường xảy ra; Củng cố việc thành lập mới ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh.