Chương trình “Đồng khởi Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”
Chương trình “Đồng khởi Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” gồm 3 phần chính: (1) Đồng khởi Khởi nghiệp, (2) Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, (3) Đồng khởi thoát nghèo.
– Đồng khởi Khởi nghiệp: tập trung các hoạt động truyền thông khởi nghiệp, giáo dục khởi nghiệp, tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp.
– Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp: tập trung các hoạt động kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ quản lý doanh nghiệp, phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiếp cận thị trường, vốn và khoa học kỹ thuật.
– Đồng khởi thoát nghèo: tập trung các hoạt động hỗ trợ sinh kế theo từng nhóm đối tượng phù hợp (trừ các hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội) nhằm giúp cho các hộ này thoát nghèo bền vững.
Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2020, phát triển mới ít nhất 500 doanh nghiệp khởi nghiệp và 2.500 doanh nghiệp các loại; nâng tổng số doanh nghiệp các loại hình lên khoảng 5.500 doanh nghiệp; nâng số hộ sản xuất kinh doanh cá thể lên gấp đôi số đang hoạt động. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm (theo chuẩn mới) để cuối nhiệm kỳ tỷ lệ hộ nghèo còn 7%.
Một số hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre
– Thực hiện các hoạt động đa dạng hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể ổn định sản xuất và nâng dần quy mô, chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Phấn đấu mỗi năm có từ 5.000 đến 7.000 hộ kinh doanh cá thể mới ra đời, có từ 3% số hộ kinh doanh cá thể có thể nâng quy mô và đủ điều kiện chuyển lên thành loại hình doanh nghiệp.
– Tiếp tục chăm sóc, tư vấn, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dịch vụ. Phấn đấu trên địa bàn mỗi huyện, thành phố có ít nhất từ 02 đến 03 hợp tác xã có quy mô cấp tỉnh vào năm 2020; xây dựng và phát triển các mối liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân với nông dân thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã.
– Tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động và phát triển cả về chất và lượng. Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, mở rộng đầu tư, gia tăng năng lực sản xuất và giá trị gia tăng cho các ngành kinh tế, dịch vụ; đóng góp nhiều hơn cho giá trị sản xuất công nghiệp, tăng trưởng kinh tế.
– Xây dựng nhóm doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh, dẫn đầu về năng lực sản xuất, kinh doanh trên từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm, tính cạnh tranh, thị phần trong và ngoài nước. Thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (từ 5 – 10 doanh nghiệp) trên các lĩnh vực. Nâng tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn từ 2,5% năm 2015 lên đến 7,5% vào năm 2020.
– Phát huy các chương trình liên kết với các địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ); chương trình hợp tác ABCD Mekông (hợp tác giữa Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao với 04 tỉnh (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), các trường đại học, viện nghiên cứu, chương trình khởi nghiệp Quốc gia và các địa phương,… để tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hoạt động, tư vấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng điều hành trong điều kiện hội nhập quốc tế.