Qua thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, trong đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương khởi nghiệp được biết đến với những dự án, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo động lực, khích lệ thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.
Điển hình như Bí thư Xã Đoàn Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú Huỳnh Văn Tính và đoàn viên Nguyễn Văn Tèo, ấp An Lợi, xã An Thủy, huyện Ba Tri.
Tích cực trong công tác đoàn, tiên phong trong khởi nghiệp
Chỉ mới đảm nhận vai trò là Bí thư Xã đoàn xã Giao Thạnh từ năm 2014 nhưng Huỳnh Văn Tính cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành có nhiều sáng tạo trong việc tập hợp đoàn viên, thanh niên; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giúp cho Xã đoàn và cá nhân Tính đạt rất nhiều thành tích nổi bật.
Công tác củng cố hoạt động các chi đoàn, việc tập hợp đoàn viên, thanh niên, phát huy vai trò xung kích của đoàn trong xây dựng nông thôn mới, vận động đoàn viên, thanh niên ra sức phát triển kinh tế gia đình luôn được xã đoàn quan tâm. Tính cho biết: “Xã đoàn chú trọng phát triển các loại hình sinh hoạt mới thông qua các mô hình phát triển kinh tế như đội cào bùn, đội kéo lưới tôm; qua đây, tập hợp anh em lao động sản xuất, cuối một ngày lao động hoặc cuối mùa vụ thì tập hợp lại sinh hoạt và phân chia phần lợi nhuận. Với những hình thức như vậy đã tập hợp được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, nhất là đoàn viên, thanh niên nghèo. Hiện mô hình đang được Xã đoàn nhân rộng ra nhiều ấp, đồng thời được các đơn vị bạn đến học tập để áp dụng tại địa phương mình.
Anh Huỳnh Văn Tính tại cơ sở làm bánh thứ hai của mình. Ảnh: Văn Minh
Ngoài ra, Xã đoàn Giao Thạnh còn xây dựng 4 mô hình thu hút khoảng 200 đoàn viên, thanh niên tham gia như mô hình “Vận động đoàn viên, thanh niên nói không với ma túy trên địa bàn ấp Giao Hòa B”; mô hình “Tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn trên địa bàn ấp Giao Tân”, “Tuyến đường không rác thải ấp Giao Hòa A”; “Tuyến đường sạch – đẹp ở ấp Giao Thạnh”.
Không chỉ làm tốt vai trò của mình là Bí thư Xã đoàn, Tính còn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Bước đầu khởi nghiệp, Tính gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn phải vay mượn người thân trong gia đình để mở cơ sở sản xuất bánh mì và bánh bông lan. Nhờ siêng năng, chịu khó, hiện nay, anh đã mở thêm một cơ sở và làm nhiều loại bánh ngọt hơn cung cấp nhiều nơi trên địa bàn huyện; giải quyết việc làm cho gần 10 lao động, trong đó có 3 thanh niên là chủ hộ nghèo. Hiện Tính dự định mở thêm 1 cơ sở nữa ở xã Thạnh Hải. Ngoài ra, Tính còn nuôi thêm bò, hùn vốn nuôi tôm, nuôi sò huyết, bình quân mỗi năm anh có thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Nhận xét về Tính, Bí thư Huyện đoàn Huỳnh Thị Cẩm cho biết: “Tính luôn gần gũi với anh em đoàn viên, thanh niên; trong công việc luôn tích cực, chịu khó. Với vai trò là Bí thư Xã đoàn, Tính luôn chủ động triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, công tác đoàn. Nổi bật trong năm qua là cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Xã đoàn có nhiều hình thức tập hợp thanh niên; huy động các nguồn vốn để hỗ trợ cho thanh niên phát triển kinh tế.
Hành trình thoát nghèo, vươn lên khá giàu
Là một trong những tấm gương điển hình từ chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, anh Nguyễn Văn Tèo, sinh năm 1985, hiện đang sinh hoạt tại Chi hội Thanh niên ấp An Lợi, xã An Thủy, huyện Ba Tri đã khởi nghiệp từ nghề chăn nuôi dê rồi chuyển sang kinh doanh dê, xây dựng cho mình một thương hiệu riêng.
Anh Tèo sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất, không có việc làm ổn định, thuộc diện hộ nghèo của xã. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đầu năm 2010, được sự hỗ trợ của Xã đoàn An Thủy, anh Tèo được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, bắt đầu khởi nghiệp từ 5 con dê cái. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Song với tinh thần cần cù, sáng tạo, quyết tâm vượt khó vươn lên, anh không ngừng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi dê từ sách, báo để áp dụng và mang lại hiệu quả.
Anh Nguyễn Văn Tèo khởi nghiệp thành công từ nuôi dê sinh sản đến mua bán dê. Ảnh: Trần Xiện
Không dừng lại ở đó, anh Tèo luôn tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tránh bị thương lái ép giá, đưa chăn nuôi phát triển bền vững. Khi có đối tác, anh quyết định chuyển sang mua bán dê để tiêu thụ sản phẩm của người dân ở địa phương. Hiện tại, mỗi tháng anh mua, bán hơn 100 con dê, trừ chi phí còn lãi trên 30 triệu đồng.
Đầu năm 2017, tiếp thu chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, anh Tèo đã mạnh dạn mua thêm 1ha đất đầu tư mở rộng chuồng trại và xây dựng lò giết mổ đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường để cung cấp thịt cho thị trường với kinh phí 1,2 tỷ đồng.
Ngoài bao tiêu đầu ra cho dê trong và ngoài xã, anh còn phân phối dê giống cho các tỉnh lân cận. Hiện tại, cơ sở mua bán dê Nguyễn Tèo giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, anh Tèo còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê của mình cho các hộ chăn nuôi và sẵn sàng cho thanh niên nghèo trong xã mượn dê giống để nuôi phát triển kinh tế thoát nghèo.
Anh Tèo cho biết: “Tôi nghĩ để có thu nhập, cuộc sống ổn định thì phải khởi nghiệp bằng một nghề. Khi đã chọn nghề, tôi luôn cố gắng lao động bằng đôi tay, khối óc và quyết tâm của mình mới đi đến thành công”.
Từ một hộ nghèo, nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay, anh Nguyễn Văn Tèo đã có cuộc sống ổn định, xây dựng được ngôi nhà khang trang. Bí thư Xã đoàn An Thủy Lưu Tấn Cường cho biết: “Anh Nguyễn Văn Tèo là một tấm gương thanh niên vươn lên thoát nghèo. Sắp tới, chúng tôi tổ chức giới thiệu điển hình này cho đoàn viên, thanh niên ở địa phương biết, học tập và quyết tâm khởi nghiệp làm giàu trên quê hương mình”.