ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
Điện thoại (0275) 3825 340 - 0989 280 636
Cơ quan thường trực Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre

Nuôi tôm bằng bột bã mía

Câu chuyện khởi nghiệp (KN) với chế phẩm vi sinh bột bã mía của anh Trần Phúc Hậu (thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại) đã bắt đầu cách nay hai năm. 

Thời điểm này, khi chương trình Đồng khởi KN và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đã có sự lan tỏa, tạo khí thế KN cho người người, nhà nhà ở khắp nơi trong tỉnh thì anh Hậu cho biết rằng: “Trong năm KN thứ ba này, mình đang rất tâm huyết thực hiện tiếp các bước cần thiết cho một sản phẩm KN. Đó là xây dựng hoàn chỉnh nhãn hiệu, bao bì, nhà xưởng, máy trộn, máy đóng gói, quy trình bảo quản”.

Từ KN mưu sinh

Nói rằng đây là câu chuyện KN của chàng trai xứ biển bởi những động lực, ý tưởng KN của anh đều bắt nguồn từ những phát sinh thực tế của quê nhà, nơi có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh và đóng vai trò kinh tế chủ lực.

Công việc đầu tiên của anh sau khi nhận bằng cử nhân Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là làm công chức nhà nước. Vài năm sau đó, khi Bình Đại phát triển mạnh ngành nghề nuôi tôm biển mà chủ lực là con tôm thẻ chân trắng, Hậu đã nắm bắt cơ hội và quyết định mở một cửa hàng kinh doanh thức ăn, thuốc cho tôm. Nói là làm nhưng không có tiền, Hậu nghĩ đến việc thuyết phục công ty sản xuất giống trên địa bàn đầu tư cho anh 20 triệu đồng và ngược lại, Hậu mở văn phòng đại diện cho công ty đó.

… Đến KN sáng tạo

Từ chuyện khởi sự mưu sinh ban đầu, Hậu chuyển hướng sang nghiên cứu sáng tạo để giải quyết những bức xúc thực tế đang xảy ra với người nuôi tôm. Đó là sản xuất chế phẩm vi sinh bột bã mía.

Khi người nuôi tôm nói chung và khách hàng của Hậu nói riêng liên tục rơi vào thất bại do rủi ro tôm bệnh, những loại thuốc trên thị trường vẫn không thể cứu nổi những vuông tôm được cho là “định mệnh” đổi đời của người nuôi tôm, lượng khách hàng gặp rủi ro của Hậu ngày càng dày lên. Và họ vẫn phải đổ tiền mua thuốc kháng sinh với giá cao để đánh xuống các vuông tôm nhưng tôm vẫn chết. Không thể ngồi yên chứng kiến những tình huống ấy cứ liên tiếp lặp lại nên anh đã nảy sinh ý tưởng tìm ra một sản phẩm khác có thể thay thế hoặc hạn chế các loại bệnh phổ biến. Qua nghiên cứu các biện pháp không sử dụng thuốc hóa chất, Hậu phát hiện đã có trường hợp người nuôi tôm sử dụng bột bã mía và mang lại nhiều thành công. Kết quả này đã được các viện, trường chứng minh.

Tuy nhiên, điểm khác biệt trong sản phẩm của Hậu là bột bã mía được cung cấp độ ẩm và dung dịch vi sinh sống. Theo Hậu, sản phẩm này cung cấp nhiều loại vi sinh có lợi, giúp phân hủy mùn bã hữu cơ dưới đáy ao, ức chế vi khuẩn gây bệnh cho tôm (gan tụy cấp tính, bệnh đường ruột). Nhiều thành phần trong bã mía có thể kích thích tảo có lợi phát triển trong ao tôm, giúp màu nước đẹp, ổn định các yếu tố môi trường. Về lâu dài, sản phẩm giúp phục hồi độ màu mỡ trong đất.

Ông Nguyễn Văn Ngàn (thị trấn Bình Đại) cho biết đã sử dụng sản phẩm của Hậu qua 3 vụ nuôi. Ông đánh giá: Sản phẩm có hiệu quả lắm. Việc sử dụng sản phẩm này giúp giảm phân nửa chi phí so với các loại vi sinh trên thị trường. Sản phẩm có nhiều công dụng như giúp màu nước đẹp, dẽ đáy ao, giảm một số loại tảo độc gây hại đường ruột và giúp kéo giảm một số chi phí khác như hóa chất, thuốc kháng sinh, vôi…

Ông Ngàn nhớ lại: “Ban đầu không dám thử nhưng sau khi nghe Hậu phân tích về các hoạt tính, chức năng của sản phẩm tôi cũng thử dùng 1 lần cho biết và thấy có hiệu quả rõ rệt. Từ đó tới sau, tôi dùng nó như một sản phẩm không thể thiếu cho các ao nuôi. Bình quân cách 7 – 10 ngày, tôi đánh bột bã mía 1 lần. Đến nay, cứ mỗi tuần, tôi đem mẫu nước đi thử, kết quả trong nước toàn là vi khuẩn có lợi. Tôi cũng như nhiều người ở đây nuôi theo phương pháp này tự tin rằng: con tôm đạt tiêu chuẩn an toàn và chất lượng”.

Thử thách năm thứ 3 KN

Theo ghi nhận từ các chuyên gia, thông thường, từ 3 – 5 năm đầu của KN, người KN luôn gặp nhiều khó khăn, chưa có lợi nhuận và thậm chí là vấp ngã. Vấn đề là người KN có thể đứng dậy và bước tiếp hay không. Để vượt qua thử thách trong giai đoạn đầu, người KN phải đề ra cho mình những phương án hoạt động cụ thể từng năm, với các giải pháp khả thi.

Với mô hình KN sáng tạo từ bột bã mía, Hậu đã vượt qua hai năm đầu khó khăn. Sản phẩm tạo được niềm tin, sự hài lòng cao của người tiêu dùng bởi có tính ưu việt hơn so với các sản phẩm tương tự đã có mặt trên thị trường. Nhiều người nuôi tôm trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận đã chuyển đổi thói quen từ sử dụng thuốc hóa học sang chế phẩm vi sinh bột bã mía. Nếu trong năm đầu, Hậu tiêu thụ được khoảng 10 tấn sản phẩm thì năm thứ hai đã nâng số lượng lên 50 tấn, doanh thu 250 triệu đồng. Khó khăn của Hậu trong năm thứ ba KN là dòng tiền xoay vòng đầu tư và xây dựng dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô.

Nói về việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại, Hậu cho biết, dù có tài sản thế chấp nhưng thủ tục cho vay hiện nay rất khó và chậm. “Người KN như tôi đang rất cần Nhà nước, các chuyên gia để tư vấn, hoạch định giải pháp đối đầu với các rủi ro cũng như nhu cầu về vay vốn” – Hậu nói.​