ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
ĐỒNG KHỞI KHỞI NGHIỆP - KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP
Điện thoại (0275) 3825 340 - 0989 280 636
Cơ quan thường trực Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre

Bến Tre tổ chức hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp

Chiều ngày 27/4/2018, tại Trung tâm hội nghị TTC Palace, Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đã tổ chức hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp. Hội nghị do ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh; ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì.

Theo báo cáo của Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, qua 02 năm (28/4/2016-28/4/2018) triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về Đồng Khởi Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Môi trường cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. Tỉnh triển khai đầy đủ các chính sách của trung ương tỉnh và ban hành một số chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương; thời gian tiếp nhận và giải quyết các thủ tục liên quan đến khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp được rút ngắn; sự hỗ trợ, tư vấn của các cơ quan nhà nước đối với người khởi nghiệp và doanh nghiệp được tăng cường. Hiện nay toàn tỉnh có 1.696 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thành lập mới nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 3.912 doanh nghiệp; 10.216 hộ kinh doanh cá thể thành lập mới, nâng số hộ kinh doanh toàn tỉnh lên 46.423 hộ; thành lập mới 44 hợp tác xã, 459 tổ hợp tác, lũy kế toàn tỉnh có 95 hợp tác xã; 1.097 tổ hợp tác. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ 387 ý tưởng, dự án khởi nghiệp; đã hỗ trợ trực tiếp cho 168 ý tưởng, dự án (trong đó: có 54 ý tưởng, dự án phát triển thành các hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp). Hỗ trợ vốn 774 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp, với tổng kinh phí khoảng 802 tỷ đồng, từ các nguồn vốn (Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, Quỹ Khoa học và Công nghệ, Quỹ hợp tác công – tư của Dự án AMD Bến Tre, nguồn vốn khuyến công, vốn vay ưu đãi của các ngân hàng thương mại, các nguồn vốn lồng ghép khác). Tạo việc làm mới cho 39.832 lao động; xuất khẩu lao động đạt 1.436 lao động; hỗ trợ khởi nghiệp thoát nghèo có 4.133 hộ thoát nghèo (trong đó: 2.656 hộ thoát nghèo bền vững); tỷ lệ hộ nghèo tính đến năm 2017 giảm còn 8,5% (giảm bình quân 1,5%/năm).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung nhìn nhận, mạnh dạn trao đổi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, từ đó đưa ra những biện pháp thiết thực đẩy mạnh công tác hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh nhà đi vào thực chất. Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất đưa ra một số chỉ tiêu thực hiện đến năm 2020: thành lập mới ít nhất 1.500 doanh nghiệp (trong đó: có 475 hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi lên doanh nghiệp; 350 doanh nghiệp khởi nghiệp; 07 doanh nghiệp KHCN); có ít nhất 14.000 hộ kinh doanh cá thể thành lập mới; tổ chức ít nhất 04 diễn đàn, sự kiện khởi nghiệp hàng năm cấp tỉnh để truyền thông, kết nối khởi nghiệp; thành lập và vận hành có hiệu quả Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh Bến Tre; 100% hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện (15.858 hộ) đăng ký tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 (có ít nhất 7.263 hộ thoát nghèo bền vững). Phấn đấu đến năm 2020, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 5,5%.

Để Chương trình triển khai đi vào chiều sâu theo đúng tinh thần của năm tăng tốc, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung đưa công tác truyền thông khởi nghiệp đi vào chiều sâu, hướng vào từng nhóm khởi nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. Để tiếp tục tạo lập môi trường khởi nghiệp thông thoáng, tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới, cần tiếp tục củng cố và phát huy các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương (Người khởi nghiệp – Viện, trường – Chính quyền – Các doanh nghiệp – Các quỹ đầu tư); nâng cao hơn nữa trách nhiệm và sự năng động của các cơ quan chức năng; phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển lên doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện đổi mới công nghệ – thiết bị, áp dụng mô hình quản lý tiên tiến phù hợp để nâng cao năng suất, tạo thêm giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, để giúp người khởi nghiệp có tầm nhìn, xác định mô hình kinh doanh và quản lý doanh nghiệp hiệu quả cần đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo quản lý doanh nghiệp, tiếp cận vốn – thị trường, tư duy đổi mới sáng tạo; xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn đầu ngày càng lớn mạnh để dẫn dắt phong trào khởi nghiệp và phát triển đội ngũ doanh nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, Chương trình cũng sẽ tập trung tuyên truyền, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo tham gia Đề án Phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững theo mục tiêu khởi nghiệp thoát nghèo. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng hành các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ông tin chắc rằng Chương trình sẽ đạt được kết quả như mục tiêu đã đề ra.

Nguyễn Lâm (1083)